Trung Quốc thay đường lưỡi bò bằng yêu sách Tứ Sa phi pháp

Mấy hôm nay, dư luận trong nước và quốc tế bày tỏ bức xúc trước thông tin chính quyền Trung Quốc (TQ) phê chuẩn việc lập hai quận, gồm Tây Sa (đặt chính quyền ở Phú Lâm) và huyện Nam Sa (đặt chính quyền ở đá Chữ Thập), nhằm quản lý quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam.

PGS-TS Vũ Thanh Ca, ĐH Tài nguyên - Môi trường Hà Nội, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ - Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (VN), nhận định rằng: TQ đã thay đổi chiến thuật, sử dụng yêu sách Tứ Sa để thích ứng sau khi phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 bác bỏ tính pháp lý của yêu sách đường lưỡi bò.

Yêu sách Tứ Sa là gì?

. Phóng viên: Xin ông chia sẻ quan điểm về ý nghĩa của động thái lần này của TQ đối với ý đồ và kế hoạch độc chiếm biển Đông?

+ Ông Vũ Thanh Ca: Có thể khẳng định ngay rằng đây là một bước trong chiến thuật “tằm ăn lá dâu” mà TQ đang sử dụng nhằm thực hiện chiến lược từng bước độc chiếm biển Đông. Như ta đã biết, ngay sau khi bị thất bại trong vụ Philippines kiện TQ ra Tòa Trọng tài quốc tế (PCA) vào năm 2016, kể từ năm 2017, TQ đã thay đổi chiến thuật. Bắc Kinh thay thế đường lưỡi bò ngang ngược và phi lý bằng yêu sách Tứ Sa cũng ngang ngược, phi lý đến nực cười.

. Bản chất của yêu sách Tứ Sa là gì?

+ Bản chất của yêu sách Tứ Sa của TQ bao gồm ba điểm: (i) TQ có “chủ quyền không thể chối cãi” đối với Nam Hải chư đảo, bao gồm bốn nhóm đảo mà TQ gọi là quần đảo: Đông Sa (đảo đá Pratas), Tây Sa (quần đảo Hoàng Sa của VN), Nam Sa (quần đảo Trường Sa của VN) và Trung Sa (bãi ngầm Macclesfield, một bãi ngầm hoàn toàn nằm dưới mặt nước ngay cả khi triều xuống thấp nhất); (ii) Các nhóm đảo này là quần đảo và được sử dụng đường cơ sở thẳng để xác định đường cơ sở và vùng nước quần đảo và (iii) Các nhóm đảo này có vùng nước quần đảo, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa tính từ đường cơ sở thẳng.

. TQ đã đưa yêu sách Tứ Sa vào chiến lược của họ ở biển Đông thế nào?

+ Sau khi tuyên bố úp mở với quốc tế từ năm 2017 tới nửa đầu năm 2019, TQ sau đó đã chính thức hóa cái gọi là Tứ Sa bằng các công hàm số CML/14/2019 và số CML/11/2020 gửi tổng thư ký Liên Hiệp Quốc. Hoạt động tuyên bố thành lập hai huyện Tây Sa và Nam Sa là một bước của TQ nhằm thể chế hóa cái gọi là Tứ Sa để thể hiện rằng TQ đang quản lý một cách hòa bình, lâu dài và liên tục hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN cũng như các vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của VN và nhiều nước khác xung quanh biển Đông.

Thừa nước đục thả câu

. Như vậy, việc tiến hành lập chính quyền hai quận phi pháp đã có trong kế hoạch tính trước của TQ. Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng Bắc Kinh đã lợi dụng thời điểm thế giới bận rộn chống dịch để hành động. Ông nghĩ sao?

+ Tôi đồng ý với nhận định này. TQ là một quốc gia luôn nổi tiếng về việc lợi dụng lúc các đối tác gặp khó khăn để lấn tới. TQ chiếm đóng trái phép phần phía đông của quần đảo Hoàng Sa của VN năm 1956; dùng vũ lực chiếm đóng trái phép phần phía tây của quần đảo Hoàng Sa năm 1974; dùng vũ lực chiếm đóng trái phép một số thực thể tại quần đảo Trường Sa của VN năm 1988 và năm 1995. Những vụ việc này được TQ tiến hành vào những thời điểm mà VN gặp nhiều khó khăn và quốc tế chưa có sự quan tâm đáng kể tới biển Đông. Đó là những minh chứng cho thấy TQ thường lợi dụng thời cơ.

Hiện nay, TQ nhân dịp cả thế giới, đặc biệt là các cường quốc, đang gồng mình chống đại dịch COVID-19 để thực hiện nhiều bước lấn tới rất ngang ngược, trong đó có tuyên bố về hai đơn vị hành chính trên biển Đông với hy vọng rằng nếu các nước lơ là, không phản đối thì sẽ hợp thức hóa được các yêu sách phi lý, trái với luật pháp quốc tế của mình.

Ngoài ra, hiện nay do ảnh hưởng của đại dịch mà nền kinh tế TQ đang bị ảnh hưởng. Sự bất bình của dân chúng cũng tăng lên không chỉ do suy thoái kinh tế mà còn do những khuất tất trong việc quản lý dịch bệnh của chính quyền trung ương TQ. Những lúc này, TQ muốn kéo sự chú ý của dân chúng ra khỏi các vấn đề quốc nội bằng cách tăng cường các hoạt động xâm lấn biển Đông.

Hình ảnh các tháp radar, nhà chứa máy bay và tòa nhà năm tầng do Trung Quốc xây dựng trái phép tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa (Việt Nam). Ảnh: NYT

. Dư luận quốc tế không chỉ lên án TQ “thừa nước đục thả câu” mà còn chỉ trích nước này “bắt nạt” các nước ở biển Đông. Liệu Bắc Kinh có lo ngại?

+ Thật ra thì TQ luôn rất ngại các chỉ trích của dư luận quốc tế. Phản ứng gần đây của TQ đối với các phản đối của Mỹ cho thấy rất rõ ràng điều đó. Chính vì sợ dư luận quốc tế nên TQ đã lợi dụng lúc các nước cực kỳ bối rối ứng phó với đại dịch để thực hiện liên tiếp các hành động nhằm hạn chế các chỉ trích.

Các nước sẽ không ngồi yên

. Liệu TQ có chịu thiệt hại gì với hành động sai phạm lần này?

+ Tôi cho rằng ngoài TQ, tất cả nước khác trên thế giới, đặc biệt là các nước lớn, đều có quyền lợi trong việc duy trì “trật tự dựa trên luật lệ”, tức là việc thực thi luật pháp quốc tế, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông. Do vậy, chắc chắn các nước sẽ không để yên cho TQ độc chiếm biển Đông.

Trong thời gian vừa qua, có thể nói những khuất tất trong quản lý dịch bệnh của TQ đã tạo điều kiện cho dịch bệnh lan rộng trên thế giới, gây thiệt hại cực lớn cho các nước, đặc biệt là các cường quốc. TQ lại làm gia tăng thiệt hại bằng cách bán các thiết bị y tế và các thiết bị bảo hộ kém chất lượng. Thế giới đang trông chờ một thái độ thành khẩn, cầu thị từ TQ để giúp các nước tập trung chống dịch. Các hành động tiếp tục “đánh úp” cộng đồng quốc tế gần đây của TQ, như việc leo thang căng thẳng ở biển Đông, chắc chắn sẽ gây ra những thiệt hại rất lớn cho TQ, cả về kinh tế, chính trị và ngoại giao.

Việt Nam nên làm gì?

. Trong bối cảnh hiện nay, những bước đi nào là cần thiết (cả về chính trị - ngoại giao, an ninh - quốc phòng, kinh tế...) để VN bảo vệ chủ quyền, nhất là khi TQ dường như có mưu đồ hoàn thành chiếm cứ biển Đông trước năm 2021, thời hạn Bộ quy tắc ứng xử biển Đông (COC) dự kiến hoàn thành?

+ Hiện nay, VN đang đóng những vai trò rất lớn đối với cộng đồng quốc tế, vừa là chủ tịch ASEAN 2020 vừa là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an. Với các vị trí này, VN rất thuận lợi để thực hiện các hoạt động ngoại giao nhằm vô hiệu hóa các hoạt động trái pháp luật của TQ.

VN cần tiếp tục các hoạt động phù hợp với luật pháp quốc tế, phản đối TQ xâm phạm chủ quyền của VN; đồng thời, đưa các vấn đề mà TQ vi phạm luật pháp quốc tế ra Liên Hiệp Quốc và các diễn đàn quốc tế để các quốc gia và học giả quốc tế nắm được tình hình, cùng hợp tác yêu cầu TQ tuân thủ luật pháp quốc tế trên biển Đông.

Trong đàm phán COC, VN cần kiên trì quan điểm là COC phải phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế để việc đàm phán COC hỗ trợ cho lập trường chính nghĩa của VN.

Tàu cá của Việt Nam neo đậu tại cảng Lý Sơn. Ảnh: TẤN VIỆT

. Hành động của TQ không khác nào công khai phủ nhận các chỉ trích cũng như cảnh báo từ Mỹ, điển hình là Bộ Ngoại giao, Lầu Năm Góc và cả các nghị sĩ Mỹ. Theo ông, liệu phía Mỹ có thể làm gì hơn ngoài việc lên tiếng chỉ trích TQ trong thời gian tới?

+ Có rất nhiều việc Mỹ có thể làm. Hành động độc chiếm biển Đông của TQ cũng vi phạm lợi ích quốc gia của Mỹ trong việc duy trì luật pháp quốc tế trên biển Đông. Mỹ cần có những hành động xây dựng lòng tin để củng cố khối đoàn kết trong khu vực và trên thế giới. Washington cũng cần tiếp tục các hoạt động tự do hàng hải, sử dụng các đòn bẩy kinh tế, chính trị, ngoại giao và quân sự mạnh mẽ hơn nhằm buộc TQ tuân thủ luật pháp quốc tế.

. Xin cám ơn ông.

 

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt, không tái diễn hành vi phạm pháp

Ngày 19-4, trước sự việc TQ ngày 18-4 thông báo thành lập cái gọi là quận Tây Sa (tức quần đảo Hoàng Sa của VN) và quận Nam Sa (tức quần đảo Trường Sa của VN) tại TP Tam Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lê Thị Thu Hằng phát biểu:

VN đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định VN có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. 

Trung Quốc thay đường lưỡi bò bằng yêu sách Tứ Sa phi pháp ảnh 4
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng.

"Lập trường nhất quán của VN là mạnh mẽ phản đối cái gọi là TP Tam Sa và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của VN" - bà Hằng phát biểu, đồng thời khẳng định các hành vi của TQ như trên "không có giá trị và không được công nhận; không có lợi ích cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình biển Đông, khu vực và thế giới". 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhắc lại: VN yêu cầu TQ tôn trọng chủ quyền của VN, hủy bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không tái diễn những hoạt động tương tự trong tương lai.

Phát ngôn của bà Hằng một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của VN là phản đối hành vi phạm pháp của TQ. Cụ thể, ngày 18-4, Đài Truyền hình TQ - CGTN đưa tin Bắc Kinh phê chuẩn thành lập hai quận Tây Sa và Nam Sa quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền không thể chối cãi của VN theo luật pháp quốc tế).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm