Xem MiG-29 bắn tan tành mục tiêu do máy bay xuất xứ Mỹ phóng ra chỉ trong 4 giây

 Nguồn: Twitter @AmirIGM 
Một video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy một tiêm kích MiG-29 do Liên Xô sản xuất bắn rơi một mục tiêu trên không do máy bay F-5 Tiger II có xuất xứ từ Mỹ phóng ra.

MiG-29 tiêu diệt mục tiêu phóng từ máy bay do Mỹ sản xuất không quá 4 giây

Theo trang The EurAsian Times, trong video do người dùng Twitter @AmirIGM đăng tải không ghi ngày tháng, một tiêm kích MiG-29 Fulcrum thời Liên Xô của Không quân Iran được nhìn thấy tham gia cuộc tập trận tên lửa không đối không cùng với một máy bay F-5 Tiger II – dường như là mẫu F-5F hai chỗ ngồi do Mỹ sản xuất.

Tiêm kích MiG-29 và F-5 bay trong đội hình khi bắt đầu cuộc tập trận bắn tên lửa. Ảnh: TWITTER

Trong video, chiếc MiG-29 và chiếc F-5 được nhìn thấy bay theo đội hình. Khi chiếc MiG-29 bay ngang tầm chiếc F-5 thì máy bay do Mỹ sản xuất bắt đầu phóng ra một mục tiêu trên không, mục tiêu sau đó bay ngang phía trước chiếc MiG-29.

Tiếp đó, chiếc F-5 lùi sang phải và chỉ vài giây sau chiếc MiG-29 phóng ra một tên lửa nhằm bắn rơi mục tiêu trên không. Tên lửa mà MiG-29 bắn ra đã tiếp cận hoàn hảo mục tiêu và phát nổ, để lại một vệt khói. Theo The Drive, khoảng thời gian từ khi tên lửa lao ra khỏi đường ray tới khi phát nổ không quá bốn giây.

Theo The Drive, tên lửa mà chiếc MiG-29 phóng đi trong video trên dường như là tên lửa tầm nhiệt không đối không Vympel R-73, loại vũ khí do Liên Xô thiết kế và phương Tây gọi là AA-11 Archer.

Tên lửa tầm nhiệt R-73 được đưa vào sử dụng năm 1984. Tên lửa này được đánh giá cao do có khả năng cơ động cao, và có thể được chỉ thị không qua kính ngắm gắn trên mũ bảo hiểm của phi công, cũng như bằng radar của máy bay hay cảm biến tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại (IRST). R-73 có tầm bắn tối đa 31 km.

Tên lửa không đối không R-73 của Nga. Ảnh: VITALY V. KUZMIN/WIKIMDIA COMMONS

Hiện chưa rõ cuộc tập trận lần này của Iran là một phần của một cuộc tập trận quy mô lớn hơn, hoặc là cuộc tập trận thông thường của Iran hay nhằm mục đích phô diễn.

Theo ông Kash Ryan, nhà quan sát Không quân Iran, thời gian gần đây, Iran đã tổ chức một cuộc tập trận khác có sự kết hợp giữa máy bay MiG-29 với các loại tên lửa. Hãng tin Tasnim (Iran) năm 2019 đưa tin chiếc MiG-29 đã đánh chặn thành công và phá hủy tên lửa được phóng từ máy bay F-5 bằng cách phóng tên lửa R-73.

Những hình ảnh do Tasnim công bố đã xác nhận sự tham gia của một chiếc MiG-29UB trong cuộc tập trận lần đó. Một hình ảnh khác do hãng tin Mehr công bố đã cung cấp cái nhìn rõ ràng hơn về loại tên lửa do máy bay F-5 phóng trong cuộc tập trận năm 2019.

Máy bay MiG-29 của Iran

Phi đội MiG-29 cũ kỹ của Iran vẫn là một phần quan trọng của lực lượng không quân nước này do Iran bị cấm mua máy bay mới vì lệnh trừng phạt của Mỹ liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran.

Iran đã mua lô đầu tiên gồm 18 chiếc MiG-29 từ Liên Xô năm 1990. Có thêm bốn chiếc MiG-29 được chuyển tới Iran từ Iraq trong Chiến dịch Bão táp Sa mạc (Operation Desert Storm) năm 1991.

Tiêm kích MiG-29 của Không quân Iran tại sân bay Mehrabad (thủ đô Tehran, Iran) năm 2019. Ảnh: DARA ZARBAF/WIKIMEDIA COMMONS

Tầm quan trọng của những chiếc MiG-29 trong lực lượng không quân Iran được thể hiện qua vai trò phòng không đối với thủ đô Tehran cũng như hộ tống các máy bay VIP. Giờ đây, việc chứng minh khả năng của MiG-29 và loại tên lửa tầm ngắn chủ đạo gắn trên nó là điều quan trọng để đảm bảo rằng mạng lưới phòng không của Iran vẫn hoạt động hiệu quả, theo The Drive.

Chiếc MiG-29 đầu tiên được phát triển và đưa vào hoạt động trong Không quân Liên Xô cách đây 40 năm, nhằm chống lại tiêm kích F-15 Eagle và F-16 Falcon của Mỹ. MiG-29 được hơn 25 nước vận hành, trong đó có Mỹ. Mỹ sử dụng máy bay này cho mục đích đánh giá và thử nghiệm. Ấn Độ là khách hàng xuất khẩu đầu tiên của những tiêm kích MiG-29.

Mặc dù MiG-29 có thiết kế khung máy bay có tuổi đời đã nửa thập niên, nhưng những máy bay này vẫn được đánh giá là đối thủ cạnh tranh đáng gờm của những tiêm kích Mỹ. MiG-29 được các chuyên gia đánh giá cao về độ nhanh nhẹn, tính cơ động và độ tin cậy cao.

MiG-29 có bảy điểm treo vũ khí bên ngoài, có thể mang tới hai tên lửa tầm trung không đối không R-27, sáu tên lửa tầm ngắn không đối không R-73 và R-60. MiG-29 còn có thể mang bom hàng không tặng tới 3.000 kg và súng phòng không cỡ nòng 30 mm với 150 viên đạn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm