Quy định 114: Định vị rõ tiêu cực, vi phạm để ngăn ngừa, xử lý

(PLO)- Quy định 114 vừa kế thừa quy định trước đó về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, vừa bổ sung những điểm mới chi tiết, rõ ràng và đầy đủ hơn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Bộ Chính trị ban hành Quy định 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Nguyễn Đình Phúc (Học viện Chính trị khu vực II) nhận định quy định trên ra đời rất đúng thời điểm, kịp thời trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang quyết tâm cao độ trong việc kiểm soát quyền lực trong hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực

. Phóng viên: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của việc ban hành Quy định 114 trong bối cảnh hiện nay?

+ TS Nguyễn Đình Phúc: Ngày 11-7, Bộ Chính trị ban hành Quy định 114-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ thay thế cho Quy định 205-QĐ/TW ngày 23-9-2019 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

Theo tôi, việc ban hành Quy định 114 có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Thứ nhất, quy định này ra đời trong thời điểm hiện nay là rất kịp thời, phù hợp, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ và đặt nhiều kỳ vọng; làm cơ sở, căn cứ để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Thứ hai, Quy định 114 một lần nữa cho thấy quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước về kiểm soát quyền lực trong hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Quan trọng hơn nữa, quy định này sẽ góp phần hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác cán bộ; hiện thực hóa các quy định của Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về công tác cán bộ, kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Những điểm mới so với Quy định 205

. Sau khi nghiên cứu nội dung Quy định 114, ông thấy đâu là những điểm mới nếu xét về tổng thể các quy định của Đảng và Nhà nước trong công tác kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng trong công tác cán bộ?

+ Quy định 114 có tất cả năm chương và 16 điều, có sự kế thừa Quy định 205 và có sự phát triển, bổ sung nhiều nội dung mới để đồng bộ với các quy định và tình hình hiện nay về công tác cán bộ, kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với những điểm mới cơ bản.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết một năm hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Ảnh: plo.vn

Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết một năm hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Ảnh: plo.vn

Cụ thể, quy định này quy định rõ các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Theo đó, có 19 hành vi được xác định là hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, gồm ba nhóm chính: (i) hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn; (ii) hành vi chạy chức, chạy quyền; (iii) các hành vi tiêu cực khác.

Quy định 205 chỉ ra những biểu hiện cụ thể của chạy chức, chạy quyền để chống chạy chức, chạy quyền, chống tiếp tay bao che, dung túng cho chạy chức, chạy quyền, còn Quy định 114 xác định những tiêu cực trong công tác cán bộ để chúng ta phải tiến hành đấu tranh, xử lý những sai phạm đó.

Quy định 114 siết chặt hơn nữa quy trình công tác cán bộ, đặt ra yêu cầu rất cao về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan nhằm bảo đảm xây dựng được đội ngũ cán bộ thật sự có phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ.

Quy định 114 nói rõ không được bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn; tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị; không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời là người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị; không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đứng đầu các cơ quan ở 13 ngành. Như vậy Quy định 114 đã làm rõ và cụ thể hóa về phạm vi cấm bố trí người có quan hệ gia đình so với Quy định 205.

Để quy định đi vào thực tiễn

. Để triển khai Quy định 114, ông nhận thấy Đảng và Nhà nước đang có những điều kiện thuận lợi nào và song song đó là những khó khăn, thách thức nào?

+ Tôi nghĩ chúng ta đang có hai thuận lợi. Một là, niềm tin của nhân dân, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân với công tác kiểm soát quyền lực trong hệ thống chính trị, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cạnh đó là quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước trong kiểm soát quyền lực trong hệ thống chính trị, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tuy nhiên, chúng ta cũng sẽ đối diện với những khó khăn. Ví dụ, việc thực hiện Quy định 114 liên quan đến con người, động chạm đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của mỗi cán bộ. Tuy nhiên, tôi nghĩ với sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, tôi tin chắc rằng việc thực hiện quy định này sẽ đạt hiệu quả cao.

. Để đảm bảo thực thi hiệu quả, có giá trị thực tiễn với Quy định 114, Đảng và Nhà nước cần triển khai những cơ chế, chính sách, giải pháp nào quan trọng?

+ Có năm nhóm vấn đề tôi nghĩ chúng ta cần chú ý triển khai. Thứ nhất, cần thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, đúng đắn Quy định 114 thành các quy định của pháp luật. Hai là cần tuyên truyền, phổ biến Quy định 114, nâng cao ý thức của đảng viên, cán bộ công chức; tránh bệnh hình thức trong thực hiện quy định.

Cạnh đó, cần có sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị trong việc triển khai và tổ chức thực hiện quy định này. Thứ tư là kiểm tra, giám sát có hiệu quả việc thực hiện Quy định 114. Cuối cùng và cũng rất quan trọng đó là: Tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ để tạo sự đồng bộ về thể chế, bổ sung cho việc thực hiện Quy định 114, bảo đảm các quy định ngày càng tiến bộ, thực chất, góp phần phát triển đất nước.

. Xin cảm ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm