Tuy không nói ra nhưng ai cũng biết phần lớn lượng khách tăng đến từ Trung Quốc (TQ). Chưa tới hè nhưng khách TQ tràn ngập các TP biển Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang… Một số lớn đi đường bộ qua ngả Móng Cái, đến Hạ Long ngắm kỳ quan thế giới và ăn uống nghỉ dưỡng trong những khách sạn, nhà hàng chui mà chủ nhân chỉ tiếp người TQ (vừa qua chính quyền đã cưỡng chế dẹp quán ăn chỉ tiếp người TQ). Chưa kể các dịch vụ chui khác: Hướng dẫn viên chui, kể cả hướng dẫn viên người TQ; bơi thuyền chui… Tất tần tật chui, dĩ nhiên trốn thuế nhưng với giá cả chặt chém để bù vào chi phí cho những “tour du lịch 0 đồng” đến Việt Nam. Nếu không chui, chặt chém thì họ lấy gì bù vào chi phí cho các công ty lữ hành. Thôi dù sao người TQ cũng là khách quốc tế, chúng ta phải tiếp họ theo quy tắc ứng xử hiếu khách của người Việt Nam cho phải phép - nếu họ cho phép mình tiếp!!!
Nhân nói đến quy tắc ứng xử, xin nói đôi điều về “Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch” mà Bộ VH-TT&DL ban hành ngày 17-3 vừa qua. Bộ quy tắc đã nhận khá nhiều phản hồi không tích cực, không chỉ từ những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa-du lịch, các công ty lữ hành mà cả những người dân bình thường qua báo, đài và các trang mạng. Đa số phê bình bộ quy tắc chẳng có gì mới, dài dòng với nhiều điều đã được ghi trong các quy tắc trong các tờ rơi, guidebook du lịch của các điểm đến du lịch lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận, TP.HCM… đã phát hành trước đây. Nhưng theo tôi, những nội dung có trùng lắp với các địa phương là chuyện bình thường, bởi đã có một mẫu số văn hóa chung dành cho khách du lịch bất cứ đâu. Vấn đề là chiến dịch tuyên truyền, lồng ghép nội dung về cách ứng xử văn minh du lịch sao cho tận tai tận mắt khách du lịch để họ dần dần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, góp phần xây dựng hình ảnh du khách Việt. Nhất là khi người Việt du lịch ra nước ngoài mà chúng ta thường phải nghe, phải đọc, phải nhìn thấy những thông tin về một số hành vi đáng buồn, có khi là đáng xấu hổ của nhiều du khách người Việt ở nước ngoài. Như vừa qua, ông Trương Văn Môn, Giám đốc Trung tâm UNESCO nghiên cứu và bảo tồn văn hóa Chăm, đã kể với PV chuyện ông quá xấu hổ khi chứng kiến một tiệc ngoài trời tại một đại sứ quán, người Việt tranh nhau ăn và lấy hết thức ăn. Đại sứ phải cúi đầu xin lỗi khách mời vì thức ăn đã bị lấy hết, khách chẳng còn gì ăn!
Thật ra các bộ quy tắc ứng xử cũng chỉ là khung cơ bản mang tính định hướng, không phải là quy phạm pháp luật nên không thể chế tài, xử phạt. Ngay cả Luật Du lịch ghi rõ quyền lợi và trách nhiệm của khách du lịch. Thế nhưng đến nay vẫn chưa thấy những điều khoản trong luật được thực thi nghiêm túc. Đơn cử từ những lỗi vi phạm nhỏ như vứt rác bừa bãi ở nơi công cộng - cả tại những nơi lễ hội - cũng chưa bao giờ bị xử phạt, hoặc nhiều người đến những nơi tôn nghiêm như đền chùa, nhà thờ… mà ăn mặc hở hang phản cảm, nói chuyện ồn ào và đôi khi có hành vi thiếu nghiêm túc, ôm choàng nhau, bá vai bá cổ… nhưng chỉ thỉnh thoảng mới bị nhắc nhở chứ chưa thấy trường hợp nào bị phạt.
Không chỉ có bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch mà cả những bộ quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, viên chức đã được các cơ quan, ban, ngành trực thuộc trung ương như Bộ Nội vụ, Bộ GTVT… ban hành từ lâu nhưng hầu hết chỉ được một thời gian đầu, sau đó thì đâu lại vào đó. Không ai có thể thường xuyên đi kiểm tra, kiểm soát những thái độ, cung cách ứng xử của tất cả nhân viên. Chỉ may ra thỉnh thoảng lãnh đạo “vi hành” đột xuất thôi. Vấn đề là ý thức tự giác của mỗi người.