Quyền im lặng là quyền con người

Ngày 3-10, tại hội thảo khoa học “Triển khai thi hành Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013” do Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức, TS Võ Thị Kim Oanh - Trưởng khoa Luật hình sự (Trường ĐH Luật TP.HCM) đưa ra nhiều ý kiến đáng lưu tâm về quyền im lặng, vấn đề đang gây tranh cãi gần đây.

Luật hóa quyền im lặng: Yêu cầu cấp bách

Theo TS Oanh, mặc dù pháp luật hiện hành ghi nhận “trình bày lời khai” là quyền của người bị tạm giữ, bị can nhưng việc không chính thức thừa nhận quyền im lặng của bị can, bị cáo dễ dẫn đến những hành vi tiêu cực như bức cung, nhục hình… Mặt khác, người bị buộc tội cũng không có quyền được từ chối cung cấp lời khai hoặc từ chối bị hỏi cung khi không có người bào chữa cũng là một điểm hạn chế. Bởi lẽ với sự tham gia của người bào chữa trong quá trình lấy lời khai cũng như khi hỏi cung sẽ đảm bảo tâm lý cho người bị buộc tội, hoạt động lấy lời khai sẽ có hiệu quả cao, đồng thời có sự giám sát của người bào chữa đối với điều tra viên.

“Chính thức ghi nhận quyền im lặng của người bị buộc tội trong Bộ luật Tố tụng hình sự cũng như ghi nhận quyền từ chối cung cấp lời khai hoặc bị hỏi cung khi chưa có người bào chữa là phù hợp với công ước quốc tế. Đây là một yêu cầu cấp bách cần được thực hiện” - bà Oanh đề xuất.

TS Võ Thị Kim Oanh, Trưởng khoa Luật hình sự (Trường ĐH Luật TP.HCM), phát biểu tại hội thảo. Ảnh: PHƯỚC THÔNG

Trao đổi thêm với Pháp Luật TP.HCM, TS Oanh khẳng định quyền im lặng là một trong những quyền để thực hiện quyền bào chữa, quyền im lặng là một bộ phận cấu thành của quyền bào chữa. Để bảo đảm quyền bào chữa phải có quyền im lặng. Theo TS Oanh, đã nằm trong nhóm quyền bào chữa thì quyền im lặng phải nằm trong nhóm quyền con người, quyền công dân.

Theo TS Oanh, quyền bào chữa chỉ đảm bảo được khi chúng ta củng cố các quyền cơ bản cho chủ thể bị buộc tội, mà cụ thể là của bị can, bị cáo. Vì vậy, phải luật hóa bằng cách quy định quyền im lặng trong quyền của bị can, bị cáo.

Đảm bảo công bằng

TS Lương Thị Mỹ Quỳnh, giảng viên khoa Luật hình sự, cho rằng quyền im lặng xuất phát từ một nền tảng lý luận phải đảm bảo cho người tham gia tranh tụng có quyền được đối xử công bằng. Cho nên cần phải có bên thứ ba để giải quyết. Bên thứ ba này yêu cầu phải đảm bảo một tiêu chí đó là sự công bằng. Vì “nhìn ở góc độ toàn cảnh đó, chúng ta sẽ thấy rằng vị trí của người bị buộc tội trong quá trình xử lý tội phạm sẽ được xem là yếu thế. Bởi vì anh phải đối diện với sự cáo buộc của hệ thống cơ quan có thẩm quyền có công cụ trong tay để chứng minh rằng anh ta phạm tội” - TS Quỳnh nói. Vì vậy, theo TS Quỳnh, sự yếu thế này cần phải được hỗ trợ của chủ thể đại diện cho họ để thực hiện việc đảm bảo quyền chính đáng của mình trước sự cáo buộc của cơ quan tố tụng.

Tiến sĩ Quỳnh cũng khẳng định nhiều nước trên thế giới đều nhìn nhận rằng có một nguyên tắc chung đảm bảo quyền có người bào chữa đối với người bị buộc tội, xuất phát từ nguyên tắc xét xử công bằng. Không chỉ xét xử công bằng tại phiên tòa mà còn là quyền được phán quyết công bằng trong quá trình chứng minh tội phạm.

Các nhà khoa học tại hội thảo khuyến nghị rằng cần phải đảm bảo cho người bị buộc tội có người bào chữa ngay tại thời điểm mà họ bị cáo buộc. Đồng thời cơ quan tố tụng phải đảm bảo cho người bị buộc tội được quyền tiếp cận đối với người bào chữa của mình.

TÁ LÂM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm