Gạo đổi rượu
Ba giờ chiều một ngày cuối đông, nắng còn rọi trắng cả sân thềm kho cất gạo của Trạm Biên phòng Rào Tre, nhưng vẫn không đủ xua cái lạnh kèm theo những cơn gió thốc đặc trưng miền biên viễn. Nơi sân thềm nhỏ, hàng chục bà con dân tộc Chứt ngồi chờ cấp phát gạo, nước mắm, mì chính... Đây là quyền lợi “đặc biệt” dành cho họ theo đề án hỗ trợ đồng bào dân tộc Chứt của tỉnh, vì chưa tự túc được lương thực. Trước khi mở kho, cô kế toán xã Hương Liên mở cuốn sổ với danh sách 37 hộ dân bản Rào Tre, đọc tên từng hộ đến nhận gạo và yêu cầu ký tên vào sổ. Nói ký nhưng hầu hết những người đứng tuổi phải “điểm chỉ” vì không biết chữ. Ông Đinh Xuân Thường - Chủ tịch MTTQ xã Hương Liên, có mặt giám sát việc cấp phát gạo - cho biết, 4 tháng cuối của năm, 37 hộ dân với 134 nhân khẩu là người dân tộc Chứt được hỗ trợ cấp 11 tấn gạo. Nhưng để duy trì đủ ăn cho dân, xã quyết định cấp dàn trải theo tháng. Mỗi khẩu được cấp 15kg gạo/tháng, mỗi tháng cấp 3 lần, mỗi lần 5kg/khẩu. “Phải cấp như thế chứ cấp một lần, họ đưa đi đổi rượu, đổi thuốc hết” - ông Thường giải thích.
Mới phát gạo lúc chiều, nhưng khoảng 22h, khi các chiến sĩ Trạm Biên phòng Rào Tre vừa chợp mắt thì nghe tiếng một phụ nữ gọi: “Chú Tịnh ơi, chồng em lấy gạo đi đổi rượu. Uống say còn đòi đánh vợ”. Mặc cho cái rét cắt da, cắt thịt, anh em trạm biên phòng đến nhà đưa người chồng say vào trạm để răn đe. Trung tá Dương Thanh Tịnh - Tổ trưởng Tổ công tác cắm bản Rào Tre thuộc Đồn Biên phòng bản Giàng - chất vấn: “Tại sao bộ đội đã dặn không được lấy gạo đổi rượu mà anh vẫn không nghe? Làm như rứa là không được, không tốt”... Giọng của một người đàn ông ngà ngà say: “Dạ, con biết rồi. Bữa sau con không đổi rượu nữa”. Sau những lời hứa đó, người đàn ông được cho về nhà.
Sáng sớm hôm sau, khi mặt trời nhô lên bằng con sào nhưng vẫn chưa xuyên thủng được màn sương dày đặc nơi núi rừng, một người đàn ông đứng tuổi đã đến “chịu phạt” bằng việc phải cuốc cỏ chè ở Trạm Biên phòng Rào Tre. Đó là Hồ Phong (SN 1972) - người đem gạo đổi rượu, uống say vào tối qua. Sau một đêm dài, nhưng anh này vẫn chưa hết men rượu trong người. Vừa cuốc cỏ, anh vừa lảm nhảm: “Chú Tịnh ơi, ta về thôi. Ta không cuốc nữa mô. Ta mệt lắm rồi”. Nói thế, nhưng thấy bóng của trung tá Tịnh từ xa, anh Phong lại cắm đầu cuốc. Trung tá Tịnh cười, nói với tôi: “Phải đưa đến đây bắt rèn bằng lao động, chứ chỉ nhắc nhở thôi thì họ không sợ đâu. Thế mà, thi thoảng vẫn có người vi phạm đấy”. Trung tá Tịnh còn cho biết, ở cái bản này, cả phụ nữ cũng nghiện rượu chứ không riêng gì cánh đàn ông. Hai ngày trước, Hồ Thị Lành (59 tuổi), lấy gạo đi đổi được 2 chai rượu, bị anh em phát hiện tịch thu luôn.
Cảnh bà con người đồng bào Chứt đến nhận gạo tại Trạm Biên phòng Rào Tre. |
Một góc bản Rào Tre, nơi cuộc sống đã khó khăn, lại còn bế tắc trước tình trạng hôn nhân cận huyết. |
Bao giờ mở đường cứu đồng bào?
Cầm trên tay bản tham luận công tác cắm bản Rào Tre đến mấy trang giấy, trung tá Tịnh trăn trở: “Hôn nhân cận huyết là vấn đề đáng lo ngại nhất ở đây. Nhưng tình trạng này lại không thể giải quyết trong ngày một ngày hai được. Cũng không giải quyết được bằng tiền, mà phải tuyên truyền để người dân nhận thức ra, phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp”. Những trường hợp hôn nhân cận huyết ở bản Rào Tre được liệt kê như ông Hồ Gio (SN 1955) lấy vợ là Hồ Thị Hoa (SN 1960) và đã có 3 người con, nhưng cha của ông Gio và mẹ của bà Hoa là anh em ruột. Hồ Hải lấy chị Hồ Tương mà Tương là cháu, Hải là cậu. Hồ Nhỏ lấy Hồ Hùng đã có 4 người con mà chị Nhỏ là con cậu, anh Hùng là con cô. Hồ Bình lấy anh Hồ Bốn nhưng bố của chị Bình và bố của anh Bốn là hai anh em ruột... Theo trung tá Tịnh, không biết có phải do hôn nhân cận huyết hay không nhưng thấy chất lượng con người ở đây rất thấp, rất đáng băn khoăn. Một số trường hợp sinh ra bị tật rồi mất. Một số đang sống thì bị khuyết bộ phận cơ thể, thường xuyên đau ốm, sức đề kháng kém...
Và ông lý giải nguyên nhân: “Thì cả bản chỉ có 37 hộ là người dân tộc Chứt. Về hình thức, người ở đây thấp, nhỏ. Nhận thức cũng hạn chế nên khó “lọt” được vào mắt người Kinh để đi đến hôn nhân. Mà muốn sang bản Chuối, bản Cà Xèng ở Quảng Bình thì phải đi bộ mất 3 - 4 giờ đồng hồ qua đường rừng. Mà ở bản đó, gần như cả bản đã là anh em, họ hàng”. Cũng theo trung tá Tịnh, trình độ, nhận thức của đồng bào Chứt ở đây rất thấp. Học trước quên sau. Cái gì cũng phải cầm tay, chỉ việc. Như việc ngâm lúa giống, rửa ủ để gieo sạ vụ đông - xuân năm nay, dù đã làm mấy mùa trước rồi nhưng trung tá Tịnh cũng phải nhúng tay vào hướng dẫn tỉ mỉ thì bà con mới biết để làm theo. “Người ở bản đây ngủ không biết giờ giấc dậy đâu. Cứ sáng sớm tôi phải đến từng nhà đánh thức các cháu lứa tuổi tiểu học đến trường. Chứ cha, mẹ chúng ngủ say không biết mà gọi con dậy đi học luôn”.
Chủ tịch MTTQ xã Hương Liên - ông Đinh Xuân Thường - thở dài, lắc đầu nói với chúng tôi: “Giờ ở bản Rào Tre đang khủng hoảng hôn nhân. Toàn bản có khoảng 20 thanh niên từ độ tuổi 18 - 25 đang có nhu cầu kết hôn nhưng chưa tìm được bạn đời. Lấy trong bản thì vướng bà con, anh em. Lấy người bên ngoài thì khó”. Và cái khó này, được thanh niên Hồ Thanh Tý (19 tuổi, bản Rào Tre) trình bày: “Em cũng muốn lấy vợ lắm rồi. Nhưng mà trong bản thì bà con cả rồi. Sang Quảng Bình thì bị trai ở bản đó đánh nên không dám”. Tôi hỏi: “Thế trai bản ở Quảng Bình sang tán gái bản ta thì ta có đánh không?”, Tý không phải suy nghĩ, nói luôn: “Đánh chớ, vì ta sang họ, họ cũng đánh ta mà”.
Lo ngại trước tình trạng hôn nhân cận huyết, suy thoái giống nòi ở bản Rào Tre, năm 2014, đại diện MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh cũng đã đề xuất tỉnh Hà Tĩnh lập dự án trình Chính phủ mở đường nối bản Rào Tre sang Quảng Bình dài 15km nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống để thanh niên giao lưu, tìm hiểu đi đến hôn nhân. Phó Chủ tịch UBND xã Hương Liên - ông Đinh Văn Sánh - nói: “Ngoài việc các cấp, các ngành thường xuyên tuyên truyền để đồng bào Chứt nhận thức được hậu quả của hôn nhân cận huyết, chủ động tránh cũng như khuyến khích người Kinh kết hôn với người Chứt bằng “phần thưởng” hỗ trợ nhà ở, vốn làm ăn... thì hiện chúng tôi đang trông chờ vào dự án làm đường nối bản Rào Tre sang tỉnh Quảng Bình để thuận tiện giao lưu, trai gái tìm hiểu nhau. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có thông tin bao giờ thì con đường này được mở”. Đúng là chưa biết bao giờ, vì trao đổi với chúng tôi sau đó, ông Hoàng Công Lý - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê - cho biết: “Đó (con đường) mới chỉ là đề xuất, ý tưởng thôi, hiện các cơ quan, ban ngành đang nghiên cứu, chứ chưa có kế hoạch gì cụ thể”.
Theo TRẦN TUẤN (Lao Động)