Ông Carlos Magdalena là một nhà nghiên cứu về làm vườn tại Vườn thực vật Hoàng gia và tại Kew (Vườn thực vật Kew) ở London (Anh). Trách nhiệm chính của ông Magdalena tại Vườn thực vật Kew là chăm sóc các loài thực vật nhiệt đới.
Vào năm 2010, một tờ báo Tây Ban Nha tôn vinh ông là "Đấng cứu thế của thực vật", vì những đóng góp của ông trong việc cứu nhiều loài thực vật khỏi bờ vực tuyệt chủng. Công trình này đã giúp ông trở thành một nhân vật được kính trọng trong lĩnh vực thực vật học và khiến ông trở thành một người nổi tiếng trong thế giới làm vườn.
Danh tiếng của ông tăng lên khi nhà làm phim về tự nhiên nổi tiếng David Attenborough nhắc lại danh hiệu "Đấng cứu thế của thực vật" tại buổi ra mắt một bộ phim của ông vào năm 2012. Trong bộ phim này có cảnh ông Magdalena đang nhân giống một loài hoa súng có tên tiếng Anh là pygmy lily.
Đường tới vườn ươm
Là con út trong gia đình có năm người con, ông Magdalena không phải là một học sinh xuất sắc khi ở trường, nhưng ông đặc biệt dành nhiều thời gian để nghiên cứu về thực vật. Ông từng đọc bộ bách khoa toàn thư về làm vườn của cha mẹ mình 12 lần khi mới 8 tuổi.
Mẹ ông Magdalena thường trồng hoa. Cha ông xem trồng trọt một sở thích. Ông nội của ông từng đưa ông đi nhiều nơi, chỉ cho ông tên của các loài thực vật và động vật. Điều này khiến thiên nhiên đã trở thành trung tâm trong góc nhìn ngày bé của ông Magdalena.
Theo tờ The New York Times, mẹ ông Magdalena có thói quen sẵn sàng dừng xe giữa đường nếu bắt gặp một loài cây lạ. Ông Magdalena cũng có thói quen này.
“Đôi khi, anh ấy nhảy xuống khe núi hoặc vùng nước để tìm cây, nước ngập đến cổ, và anh ấy vui vẻ trong nhiều giờ" – ông Christian Ziegler, một phóng viên ảnh đã làm việc với ông Magdalena trong một số dự án, cho biết.
Năm 2001, ông Magdalena rời quê hương từ vùng Asturias, miền bắc Tây Ban Nha đến sống tại London. Lúc đầu, ông làm việc trong lĩnh vực khách sạn. Sau đó, năm 2002, ông đến thăm Vườn thực vật Kew và quyết định chuyển hướng công việc.
Khi nhìn qua lớp hơi nước đọng trên cửa sổ của một vườn ươm nhiệt đới, ông mơ rằng có thể chạm tay vào tất cả loại cây có trong vườn ươm.
Sau đó, ông trải qua quá trình thực tập không lương tại trường thực vật và được nhận làm trợ lý nhân giống tại vườn ươm nhiệt đới mà ông mơ ước tại Vườn thực vật Kew.
"Đấng cứu thế của thực vật"
Loài cây đầu tiên mà ông Magdalena cứu khỏi nguy cơ tuyệt chủng là cây cà phê marron (có tên khoa học là Ramosmania rodriguesi).
Đây là loại cây cao khoảng bằng một người trưởng thành và có những bông hoa hình ngôi sao màu trắng đặc biệt. Đây là loài đặc hữu của đảo Rodrigues thuộc Mauritius (quốc gia ở Đông Phi).
Khi cây được gửi đến Vườn thực vật Kew, nó ra hoa nhưng không có hạt. Ông đã dành 5 tháng để nghiên cứu chuyên sâu về loài cây này. Sau nhiều lần thử nghiệm và 200 lần thụ phấn, ông đã thành công trong việc tạo ra hạt giống của cây cà phê marron. Khoảng 20 hạt giống của cây được gửi đến Mauritius và hiện chúng đang phát triển tại quốc gia này.
Để cứu loài hoa súng có tên pygmy lily, ông đã mượn hạt giống từ một vườn bách thảo ở Đức. Những hạt giống này khi ấy có đặc điểm sau khi nảy mầm chúng lại nhanh chóng chết.
"Một sự tuyệt chủng đang chờ đợi chúng" – ông Magdalena nói.
Ông Magdalena đã thử mọi cách, bao gồm việc trồng hạt giống trong nước có tính axit và kiềm, thử nghiệm với ánh sáng và nhiệt độ. Tuy nhiên, không có cách nào hiệu quả.
Một đêm nọ, khi đang nấu ăn và nhìn thấy món ăn đang sôi trên bếp, ông tự hỏi liệu vấn đề nảy mầm của pygmy lily có liên quan đến lượng khí carbon dioxide (CO2) mà cây phải tiếp xúc hay không.
“Cây cần ánh sáng, nước, chất dinh dưỡng và chúng cũng cần carbon dioxide nữa” – ông giải thích.
Khi ấy, ông nhớ ra rằng hoa súng pygmy lily trong môi trường sống bản địa của chúng ở Rwanda mọc trong một dòng suối nông và có nhiều CO2 ở trên mặt nước. Vì vậy, sau đó, ông đã thay đổi độ sâu của nước mà ông sử dụng trong thí nghiệm để có được nhiều khí CO2 hơn cho cây. Và ông đã thành công.
Tuy nhiên, thành công của ông Magdalena không chỉ dừng lại ở việc cứu loài hoa súng bé nhỏ nói trên, mà còn là thành công trong việc phát hiện ra một loại hoa súng khổng lồ.
Năm 2007, công việc của ông Magdalena bao gồm chăm sóc hai loài hoa súng khổng lồ Victoria amazonica và Victoria cruziana – hai loài hoa duy nhất vào thời điểm đó thuộc chi Victoria.
Khi chăm sóc những cây khổng lồ này, ông Magdalena dành nhiều đêm để nghiên cứu chúng. Sau đó, ông tình cờ tìm thấy một bức ảnh trên mạng về chiếc lá Victoria kỳ lạ và ông nghi ngờ đó là một loài mới.
Ông đã liên lạc với chủ sở hữu bức ảnh và được biết người này đang có một cây ở Santa Cruz (Bolivia). Ông đã đến đó và quan sát loài cây này. Sau cùng, người này quyết định tặng một vài hạt giống của loài cây ông trồng cho Vườn thực vật Kew.
Trở lại London, khi hạt giống trên bắt đầu phát triển với những chiếc lá và hoa trông khác với những loài hoa súng khổng lồ trước đây, ông đã nghĩ đây là loài mới.
Ông Magdalena nghiên cứu một cách cẩn thận. Vào ngày 4-7-2022, Vườn thực vật Kew thông báo về việc phát hiện ra loài hoa súng thứ ba thuộc chi Victoria và đặt tên là Victoria boliviana Magdalena & L. T. Sm.
Những thành tựu này khiến nhiều người tin rằng ông rất xứng đáng với danh hiệu “đấng cứu thế của thực vật”. Ban đầu, danh hiệu này khiến ông thấy khó chịu vì nó có vẻ khoa trương, nhưng sau đó ông đã chấp nhận nó.
“Đối với người Anh, danh hiệu này giống như một người có sứ mệnh, một người có những điều muốn nói trong cuộc đấu tranh vì một mục đích nào đó. Và hiện tại, vẫn còn hơn 100.000 loài bị đe dọa” – ông nói.