Trước việc bị cáo phản cung khẳng định mình trình ký hồ sơ còn hồ sơ ai đưa ra khỏi Sở TN&MT bị cáo không biết và cũng không hề có chứng cứ gì khi bị bắt và khám xét, công tố viên đã công bố bản tường trình của một nhân viên Phòng Đăng ký đất đai. Theo đó, ngày 6-2-2013, khi dọn dẹp, người này phát hiện tại bàn làm việc của bị cáo Khiêm có một tập hồ sơ gồm bốn tờ của Công ty Hawaii (công ty được cấp bốn giấy đỏ). Lập tức, bị cáo Khiêm phản ứng vì cho rằng ngày 27-12-2012 bị cáo đã bị khởi tố, khám xét, cơ quan điều tra đã khám từng cen-ti-met trên bàn làm việc, thậm chí cả sọt rác cũng lục tìm nhưng không thấy gì. Thế nhưng gần hai tháng sau không biết từ đâu lại “xuất hiện” tập hồ sơ trên bàn làm việc của bị cáolà có vấn đề về chứng cứ. “Cả tập hồ sơ chứ đâu phải cây kim, sợi chỉ” - bị cáo nói.
Luật sư cho rằng đây là tình tiết mới và yêu cầu tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung để làm rõ điều này.
Đối đáp, công tố viên cho rằng hồ sơ, chứng cứ phát hiện trễ là do không phải tìm mà thấy, muốn là được (!). Về “tình tiết mới” mà luật sư nói, công tố viên nói đây là chứng cứ nằm trong hồ sơ chứ không phải tình tiết mới. Theo công tố viên, bị cáo Khiêm đã cấu thành tội phạm từ khi đưa hồ sơ trình ký nhưng báo cáo không trung thực.
Phản bác lập luận này, luật sư cho rằng nếu quy kết trình ký đã phạm tội thì cả phó giám đốc sở, Chi cục Quản lý đất đai, các chuyên viên, trưởng phòng chỉnh lý bốn giấy đỏ liên quan vụ án cũng đều phạm tội.
Phía VKS cũng đã công bố rút nội dung truy tố Khiêm về việc đã làm thiệt hại cho Ngân hàng Agribank Chi nhánh 7, TP.HCM hơn 29 tỉ đồng. Lý do: Không có thiệt hại xảy ra và ông Ngô Văn Phưởng, người thế chấp bốn giấy đỏ để vay ngân hàng hiện cũng đã bị Công an TP.HCM khởi tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Dự kiến, chiều 26-2 tòa sẽ tuyên án.
PHƯƠNG NAM