Có lẽ vì vậy chú được xem là nhà văn viết về Nam Bộ và sau này chú được xem là nhà văn của Nam Bộ nhưng thật ra hầu hết các truyện làm thành danh Trang Thế Hy, Văn Phụng Mỹ đều được viết và đăng tải trên các tạp chí tại Sài Gòn như Nhân Loại Vui Sống, Bách Khoa, Đời Mới… Cho tôi xin được có chút tự hào khi nói về chú Tư như một nhà văn đã sống, đã viết tại Sài Gòn. Cũng không lấy làm lạ, bởi vì từ nhỏ khi học dở dang ở Mỹ Tho, chú Tư Sâm lên Sài Gòn làm nhân viên kiểm vé xe điện trên tuyến đường Sài Gòn - Chợ Lớn, rồi tìm đến vùng đất đỏ miền Đông làm kế toán cho đồn điền cao su ở Bến Củi (Tây Ninh). Thời gian sau 1954, chú sống ở Sài Gòn, làm đủ thứ nghề như dạy học, sửa lỗi trong nhà in, thủ kho để tạo vỏ bọc để hoạt động... và chủ yếu là viết cho tạp chí Nhân Loại… Năm 1962 ông bị bắt tại Sài Gòn. Sau khi ra tù, ông vào khu và tái ngộ Sài Gòn cho đến năm đi về quê ngoại. Tính ra ông đã sống và viết với TP này hơn một phần ba cuộc đời. Sau 1975, khi “định cư” tại chung cư 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, là biên tập viên của báo Văn Nghệ Thành phố, hằng sáng lấy nước đá trong tủ lạnh đi bỏ mối cho các quán cà phê để cải thiện cuộc sống khó khăn thời đó, chú đã cho ra đời Chút hào quang từ mảnh vỡ của một ngôi sao buồn, Mưa ấm, Tiếng khóc và tiếng hát…có bối cảnh và nhân vật đều từ TP.HCM. Nhân vật như “Bà mẹ già và thúng khổ qua” (1982), hai sinh viên Thu và Diệp trong Mưa ấm của thời Sài Gòn năm 1960 và sau khi hòa bình lập lại... Những người bạn là nghệ sĩ gặp nhau cùng cất tiếng hát hòa với tiếng đàn kìm trên lề đường Huyền Trân Công Chúa (Một nghệ sĩ)... Sài Gòn những năm 1960 với những chiếc xe Velo solex, xóm nghèo Nancy, xe nhà binh Pháp chạy bằng gazogene và cồn carburant của Nhà máy rượu Bình Tây... trong ký ức đã trở thành chất liệu trong các tác phẩm của nhà văn.
Theo ý kiến chủ quan, tôi cho rằng truyện Chút hào quang từ mảnh vỡ của một ngôi sao buồn mang được chất con người Sài Gòn đậm nét. Truyện viết về cuộc hạnh ngộ của nhà văn với ông Tư Chơi - Huỳnh Thủ Trung tại một xóm nghèo đường Trần Hưng Đạo. Ông Huỳnh Thủ Trung là “nhà soạn tuồng kiêm diễn viên sân khấu, kiêm bầu gánh của nhiều đoàn hát nổi tiếng, một nhà cách tân kịch nghệ, một nghệ sĩ cổ nhạc có ngón đờn độc đáo, tài danh lừng lẫy một thời”. Từ một tài danh nhưng bây giờ ông Trung là một ông già nát rượu. Ông nát rượu vì muốn say cho quên đời nhưng vẫn giữ được cốt cách của một nghệ sĩ chân chính.
“Đi chỗ khác chơi” chính là câu nói của nghệ sĩ Huỳnh Thủ Trung nói với tác giả: “… Con phải nghe lời chú Tư dặn nghe con, là khi nào biết mình viết hết được rồi thì phải đi chỗ khác chơi, đừng bẹo hình bẹo dạng ở chỗ trường văn trận bút và tuyệt đối đừng để những người hâm mộ mình đọc những câu lếu láo, nhớ chưa?”.
Đó là câu nói của một người thật hay của một nhân vật văn học mà nhà văn Trang Thế Hy muốn gửi tâm sự của mình vào đó. Dù là thật hay giả trong câu chuyện giữa một nghệ sĩ và nhà văn ở xóm nhỏ Sài Gòn nhưng đó là minh triết cuộc đời khi chú Tư Sâm từ giã nơi mình đã sống và viết Nắng đẹp miền quê ngoại để về quê ngoại - yên nghỉ vĩnh hằng nơi không còn “nợ nước mắt” với cuộc đời và văn chương!