Lần đầu tiên kể từ ngày 23-6, hai máy bay ném bom của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã áp sát phía đông đảo Đài Loan, tờ Thời báo Hoàn cầu đưa tin.
Ngày 28-6, Văn phòng Tham mưu Liên quân Nhật Bản tuyên bố trong cùng ngày, họ đã phát hiện hai máy bay H-6K bay qua eo biển Miyako (giữa hai quần đảo Miyako và Okinawa của Nhật Bản) và tiến vào Thái Bình Dương.
Phía Nhật Bản cho biết sau khi áp sát phía đông đảo Đài Loan, hai máy bay quay về căn cứ tại Trung Quốc đại lục theo hành trình ngược lại.
Trong ngày 28-6, Đài Loan chưa xác nhận việc máy bay Trung Quốc áp sát vùng lãnh thổ này từ hướng đông, theo Thời báo Hoàn cầu.
Hành trình của hai máy bay H-6K của PLA bay qua eo biển Miyako, áp sát Đài Loan và trở về Trung Quốc đại lục. Ảnh: VĂN PHÒNG THAM MƯU LIÊN QUÂN NHẬT BẢN
Một chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh nói với Thời báo Hoàn cầu rằng việc máy bay PLA bay gần phía đông Đài Loan chứng minh rằng nếu cần thiết, Trung Quốc có thể tiếp cận và tấn công hòn đảo này từ cả hai hướng đông-tây.
Người này cho rằng động thái trên của hai chiếc H-6K cũng minh chứng rằng Trung Quốc có thể tiến hành các hoạt động chống tiếp cận/chống xâm nhập để ngăn chặn các lực lượng nước ngoài can thiệp vào vấn đề Đài Loan.
Chuyên gia quân sự Hong Kong Tống Trung Bình cũng đồng ý với quan điểm này, cho rằng mục tiêu mà PLA hướng tới là đối phó với nguy cơ Mỹ và Nhật Bản điều quân từ quần đảo Ryukyu và đảo Guam sang hỗ trợ lực lượng ở Đài Loan.
Đồng thời, bằng cách tiếp cận này, PLA cũng có thể khóa chặt, không cho các lực lượng đòi độc lập ở Đài Loan trốn thoát khỏi vùng lãnh thổ này - ông Tống nói.
Trong tháng 6, hoạt động ngày 28-6 của hai chiếc H-6K là lần thứ chín các máy bay PLA áp sát đảo Đài Loan. Trong tám lần trước đó, các tiêm kích Su-30, J-10, J-11, máy bay vận chuyển Y-8 và máy bay ném bom H-6 đã tiếp cận vùng lãnh thổ này vào các ngày 9-6, 12-6, 16-6, 17-6, 18-6, 19-6, 21-6 và 22-6.