Đây là thông tin được ông Đinh Văn Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) đưa ra tại Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm xăng dầu của Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn diễn ra ngày 17-1 ở Thanh Hóa. Hội nghị do Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức.
Ông Đinh Văn Ngọc cho biết theo hợp đồng EPC, dự kiến ngày 22-11-2016 nhà thầu sẽ bàn giao cơ khí dự án cho chủ đầu tư nhưng đến nay việc bàn giao này đang chậm hai tháng so với kế hoạch. Một trong những nguyên nhân của chậm trễ này là do thời gian nghỉ tết năm 2016 quá dài.
“Thời gian nghỉ tết năm 2016 kéo dài, nhiều công nhân xin nghỉ sớm trước 10 ngày, rồi thời gian nghỉ tết khoảng 10 ngày nữa. Tính ra thời gian nghỉ gần một tháng, ảnh hưởng đến công việc trên công trường. Rút kinh nghiệm, năm nay, nhà thầu đã trả thêm cho công nhân 50 USD/ngày để khuyến khích họ làm việc trên công trường trong ngày tết” - ông Ngọc chia sẻ.
Theo ông Ngọc, với nỗ lực trên, dự kiến trong cuối tháng 2-2017 nhà thầu sẽ bàn giao cơ khí dự án cho chủ đầu tư để đến tháng 7-2017 sẽ chạy thử nhà máy và cuối tháng 8-2017 sẽ cho ra sản phẩm thương mại đầu tiên. Toàn bộ dầu thô cung cấp cho nhà máy sẽ được nhập từ Kuiwait. Sản phẩm của nhà máy gồm khí hóa lỏng LPG, xăng, diesel, dầu hỏa/nhiên liệu máy bay, lưu huỳnh, polypropylen, benzen, paraxylen.
Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đang được triển khai tại khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa. Nhà máy được cấp giấy phép đầu tư vào tháng 4-2008 do Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn thực hiện. Công ty này là liên doanh gồm bốn thành viên: Tập đoàn Dầu khí VN chiếm 25,1%; Công ty Kuwait Petroleum Europe.B.V chiếm 35,1%, Công ty Idemitsu Kosan Nhật Bản chiếm 35,1%, Công ty Mitsui Chemicals Inc Nhật Bản chiếm 4,7%.
Tổng vốn đầu tư của dự án là 9 tỉ USD, vốn điều lệ của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn là 2,44 tỉ USD. Dự án hoạt động 70 năm kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đầu tư. Dự án được hưởng ưu đãi thuế thu nhập DN 10% trong suốt thời gian 70 năm và nhiều ưu đãi khác.
Công suất của dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn là 10 triệu tấn dầu thô/năm trong giai đoạn 1, lớn hơn hẳn 35% so với công suất của Nhà máy lọc dầu Dung Quất (6,5 triệu tấn/năm).