Đạo luật có tên là “Protection from Online Falsehoods and Manipulation Bill (tạm dịch: "Đạo luật Bảo vệ khỏi tin tức giả mạo và lôi kéo trên mạng").
Chính phủ sẽ dựa vào đó để ban hành các yêu cầu “gỡ bỏ” những nội dung đăng trên mạng xã hội, các trang web tin tức mà họ cho là "tin giả."
Thay vào đó, họ sẽ buộc các trang web đăng link đến "thông tin chính xác" bên cạnh nội dung "sai" của các website đó.
Các đường link “chính xác” này sẽ chuyển hướng người đọc đến các website của chính phủ, các tổ chức hoặc bên thứ ba mà chính phủ cho là hợp pháp.
Theo CNBC, Singapore cho biết chính phủ cũng tạo điều kiện các công ty và cá nhân có thể dễ dàng, nhanh chóng khiếu nại với các tòa án trong những trường hợp bị chính phủ buộc “gỡ bỏ” nội dung.
Trang tin CNBC dẫn lời Bộ trưởng Luật pháp và Nội vụ Singapore, ông K. Shanmugam, rằng: “Luật này sẽ giải quyết với những thông tin sai sự thật. Những tin tức giả mạo hay sai sự thật sẽ gây nhầm lẫn cho nhiều người và làm rối rắm các quan điểm trong các cuộc tranh luận. Thực tế, thông tin sai lệch làm ảnh hưởng đến tự do ngôn luận và nên dân chủ.”
Bộ trưởng Luật pháp và Nội vụ Singapore - K.Shangmugam. Ảnh: CNA
Dự luật đã được đệ trình lên Quốc hội Singapore vào đêm ngày 1-4 (theo giờ địa phương). Có thể sẽ chính thức có hiệu lực từ 1 hoặc 2 tháng sau, theo CNBC News.
Ngoài ra, các công ty điều hành mạng xã hội ngoài Singapore đều phải tuần thủ luật này nếu những nội dung của họ ảnh hưởng đến công chúng Singapore.
Các website vi phạm luật này 3 lần trong vòng 6 tháng sẽ “bị cắt lợi nhuận”, CNBC cho biết từ cơ quan lập pháp Singapore.
Singapore là một trong 20 quốc gia ban hành đạo luật và các biện pháp chống "tin giả". Ảnh: StraitsTimes
Về phần mình, Facebook chia sẻ với chính phủ Singapore rằng sẽ “cam kết giảm thiểu sự lan truyền tin tức giả trên mạng xã hội.”
Facebook cũng bày tỏ lo ngại với một số khía cạnh của đạo luật trao quyền tương đối lớn đến các cơ quan điều hành buộc Facebook gỡ bỏ các nội dung mà họ cho là "giả, sai lệch" và buộc phải chuyển thông báo của chính phủ tới người dùng.
Hai người phụ nữ dùng điện thoại "lướt" mạng xã hội tại Raffles Place, quận trung tâm tài chính của Singapore. Ảnh: CNBC
Trong khi đó, đại diện của Twitter nói với kênh truyền hình Channel NewsAsia (CNA) rằng đây là lần đầu tiên họ biết đến bộ luật này và “vẫn đang nghiên cứu, đánh giá tác động của nó.”
Tương tự, theo CNA, Google cho biết họ sẽ nghiên cứu luật này xác định các bước tiếp theo. Một người phát ngôn của công ty cho biết Google sẽ kêu gọi Chính phủ Singapore tham vấn đầy đủ và minh bạch về dự luật này.
Đảo quốc Singapore có nhiều sắc tộc với các tôn giáo cùng chung sống. Chính phủ cho rằng các cuộc bạo động chính trị và sắc tộc ở châu Âu và châu Á một phần được thúc đẩy bởi các "tin tức giả mạo” trên mạng Internet.