Giá cổ phiếu của “người khổng lồ” Facebook tuần này giảm “kỷ lục” ở mức 20%. Theo Bloomberg, giá cổ phiếu suy giảm hôm 25-7 đã “thổi bay” số tiền 118 tỉ USD của Tập đoàn Facebook, trong đó có 16 tỉ USD của nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg.
Thu giảm, chi tăng, niềm tin nhà đầu tư lao dốc
Từ sau vụ bê bối rò rỉ thông tin người dùng của Cambridge Analytica - đối tác quan trọng của Facebook - hồi tháng 3 vừa qua, Mark Zuckerberg lần lượt gặp không ít rắc rối khi phải điều trần trước quốc hội Mỹ và nghị viện châu Âu.
Trong khi vị tỉ phú trẻ không gặp quá nhiều khó khăn trước chất vấn của các nghị sĩ Mỹ thì tại EU các nhà lập pháp đã “nổi giận” trước những câu trả lời bị đánh giá là quanh co, né tránh và thiếu tính thuyết phục về vấn đề bảo mật thông tin người dùng.
Dù chưa từng có một bản phán quyết nào buộc tội được Facebook nhưng hàng triệu người dùng tỏ ra thất vọng và nổi giận. Đặc biệt, các thị trường châu Âu hay Mỹ là các thị trường “khó tính” với các cam kết bảo mật của Facebook lại chiếm vị trí quan trọng trong thị phần quảng cáo của tập đoàn này.
Tháng 5 vừa qua, EU tung ra quy định chung về bảo vệ dữ liệu (gọi tắt là GDPR). Ngay trước đó, Facebook hoàn thành việc chuyển cơ sở dữ liệu của hơn 1,5 tỉ người dùng ngoài lãnh thổ Mỹ, Canada và EU từ trụ sở ở Ireland về California để né ảnh hưởng. Trước đó Facebook cam kết tuân thủ tinh thần luật pháp ở phạm vi toàn cầu đối với các chính sách thông tin. Điều này càng thúc đẩy người dùng EU tìm kiếm một giải pháp thay thế mạng xã hội đang chịu “tai tiếng” và thiếu động thái cầu thị. Trong đó, xu hướng người trẻ (nhất là tại châu Âu) tìm đến các ứng dụng Instagram, WhatsApp,... để thay thế Facebook là điều khiến ngay cả những người tự tin nhất Facebook phải lo ngại.
Gã khổng lồ Facebook đang đối diện nhiều khó khăn. Ảnh: INDEPENDENT
Theo chuyên gia phân tích của GlobalData, Lynnette Luna, ngoài các yếu tố tăng trưởng chậm và các thông tin có hại với hình ảnh Facebook thì đạo luật GDPR cũng là nhân tố quan trọng góp phần khiến Facebook mất đi 3 triệu người dùng giai đoạn quý I và II.
Vấn đề bảo mật không chỉ làm suy giảm niềm tin người dùng mà còn đặt Facebook vào tầm ngắm của các cơ quan hành pháp, buộc tập đoàn này phải gia tăng các chi phí để đảm bảo không có thêm bất kỳ vụ bê bối nào khác diễn ra.
Chưa dừng ở đó, các vấn đề liên quan đến bầu cử tổng thống cũng buộc Facebook gia tăng chi phí. Sau bầu cử 2016 tại Mỹ, Facebook đã phải gia tăng chi tiêu, đồng thời cảnh báo việc này sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của Facebook kể từ tháng 11-2017. Ngay sau đó chính là vụ bê bối Cambridge Analytica.
Cuối cùng, doanh thu quảng cáo của Facebook cũng giảm. Theo tờ Independent, lợi nhuận từ quảng cáo đang chậm lại. Một phần nguyên do là các công nghệ chặn quảng cáo cho phép người dùng từ chối tiếp cận quảng cáo... ngày càng phổ biến.
Vẫn lạc quan
Cú rớt giá thị trường chứng khoán vừa qua với Facebook thật sự là “địa chấn”. Các báo cáo Facebook cho biết tăng trưởng của công ty này sẽ tiếp tục chậm lại trong sáu tháng cuối năm 2018, đưa tình trạng tăng trưởng chung của Facebook từ “siêu tăng trưởng” (tức hơn 40% từng năm) xuống mức “tăng trưởng cao”.
Giám đốc tài chính Facebook David Wehner tiết lộ rằng tỉ lệ tăng trưởng lợi nhuận của tập đoàn này sẽ giảm xuống ở mức một con số nhưng vẫn ở mức cao. “Từ mức siêu tăng trưởng giảm xuống mức tăng trưởng, thông thường chính là sự phát triển chậm. Trong trường hợp này, tăng trưởng đã giảm xuống một bậc. Đó là lý do vì sao mọi người thấy xuất hiện phản ứng thái quá nhiều hơn (so với bình thường)” - David Wehner nói trên Bloomberg.
Đến hôm qua (27-7), giá trị của tập đoàn Facebook trên thị trường vẫn cao hơn so với thời điểm Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) quyết định điều tra chế độ bảo mật quyền riêng tư người dùng của Facebook sau khi bê bối Cambridge Analytica rò rỉ.
Về nội bộ, Facebook vẫn tiếp tục động viên, trấn an nhân viên bằng các chính sách ưu đãi về cổ phiếu. Điều quan trọng mà nhiều chuyên gia Facebook quan tâm chính là trong lúc xảy ra khủng hoảng, họ phải tìm cách ổn định nội bộ, giữ được người tài.
Khởi đầu cho quá trình “kết liễu Facebook”? “Tuyệt đối không”, đó là bình luận của Bloomberg về câu hỏi liệu “cơn địa chấn” giá cổ phiếu có phải là sự khởi đầu cho quá trình chấm dứt số phận của Facebook. Mặc dù tăng trưởng số người dùng trên Facebook đang chậm lại ở Mỹ và châu Âu nhưng công ty này vẫn xoay xở gia tăng lợi nhuận với mỗi người dùng. Hơn nữa, Facebook có nhiều cơ hội kiếm tiền với các ứng dụng: Instagram (nhờ vào việc vận hành ứng dụng video IGTV gần đây), Marketplace, Messenger và thu lợi từ doanh nghiệp mong muốn tương tác với khách hàng qua WhatsApp. |