Số người chết tiếp tục tăng cao tại khu vực phía tây Canada và tây bắc nước Mỹ do đợt nắng nóng kỷ lục với nhiệt độ có lúc đạt mốc 49 độ C, trong bối cảnh chính quyền các khu vực đang phải đối mặt với nguy cơ cháy rừng.
Số người chết và nhập viện gia tăng
Chỉ trong ngày 30-6, bang Oregon, Mỹ đã ghi nhận 63 trường hợp tử vong liên quan đến đợt nắng nóng này. Tính từ ngày 25-6, hạt Multnomah thuộc bang Oregon có 45 ca tử vong, nguyên nhân được các nhân viên giám định y tế xác định là do thân nhiệt tăng đột ngột.
Đây được xem là đợt nắng nóng tồi tệ nhất tại bang này khi trước đó, tính từ năm 2017 đến 2019, Oregon chỉ ghi nhận tổng cộng 12 người chết do tăng thân nhiệt, theo hãng tin Reuters.
Người dân Mỹ giải nhiệt trong một hồ bơi mắc vào vòi chữa cháy dưới hầm chui đường cao tốc trong đợt nắng nóng kỷ lục ở bang Oregon, ngày 29-6. Ảnh: REUTERS
Ngoài ra, cơ quan Y tế Oregon cũng tiết lộ thêm rằng các bệnh viện trên khắp tiểu bang đã tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân bị nhiệt miệng trong những ngày gần đây.
"Cuộc khủng hoảng sức khỏe trầm trọng này đã cho thấy một đợt nắng nóng cực độ có thể gây chết người như thế nào. Khi thời tiết cuối hè tiếp tục ấm hơn, tôi nghi ngờ rằng chúng ta sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng này một lần nữa” - Tiến sĩ Jennifer Vines, quan chức y tế hạt Multnomah nhận định.
Trong khi đó, tại tỉnh British Columbia ở Canada, ít nhất 486 người đã tử vong trong vòng năm ngày qua vì tăng thân nhiệt, gấp ba lần số người chết tại tỉnh này trong giai đoạn nắng nóng của những năm trước đây.
Một vụ cháy rừng đã xảy ra ở khu vực Hồ Sparks, tỉnh British Columbia, Canada, vào ngày 29-6. Ảnh: REUTERS
"Ở một số nơi, nhiệt độ tăng cao kỷ lục. Đây là việc chưa từng xảy ra đối với chúng tôi” - ông David Phillips, một nhà khí hậu học ở Canada nói.
Ông Phillips nói không rõ điều gì khiến nhiệt độ tăng cao như vậy, song biến đổi khí hậu có vẻ là một nguyên nhân góp phần vào mức độ khắc nghiệt của đợt nắng nóng này.
Một phụ nữ người vô gia cư đứng dưới hệ thống phun sương và làm mát tự chế mà một người dân thiết lập ở sân trước của họ ở bang Washington, Mỹ, ngày 28-6. Ảnh: REUTERS
Cùng ngày, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã dành một bài phát biểu tại Ottawa để tưởng nhớ những người đã chết, đồng thời bày tỏ lo ngại trước nguy cơ hỏa hoạn và cháy rừng khi nhiệt độ chưa có dấu hiệu hạ xuống.
“Chúng ta đã chứng kiến ngày càng nhiều kiểu hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác nhau trong những năm qua. Thực tế, chúng ta phải biết rằng đây sẽ không phải là đợt nắng nóng cuối cùng" - Thủ tướng Trudeau chia sẻ.
Tại thủ đô Washington D.C, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết biến đổi khí hậu đang dẫn đến "một sự kết hợp đầy nguy hiểm giữa nắng nóng khắc nghiệt và hạn hán kéo dài", cảnh báo chính quyền các tiểu bang đang chậm trễ trong việc chuẩn bị cho nguy cơ xảy ra cháy rừng.
Người dân Mỹ ngủ tại một căn phòng làm mát được thiết lập trong đợt nắng nóng chưa từng có ở bang Oregon, ngày 27-6. Ảnh: REUTERS
Nhiệt độ tăng cao đạt mốc kỷ lục
Lytton, một thị trấn ở trung tâm bang British Columbia, đã ba lần ghi nhận nhiệt độ trên 49 độ C trong những ngày qua, so với mức nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận trước đây ở Canada là 45 độ C vào năm 1937.
Tại khu vực phía tây bắc nước Mỹ, nhiệt độ hai bang Washington và Oregon đã tăng cao hơn 38 độ C vào cuối tuần. TP Portland thuộc bang Oregon ghi nhận mức nhiệt độ cao nhất là 47 độ C vào ngày 27-6.
Người dân Mỹ dựng hồ bơi nối với vòi chữa cháy dưới một hầm chui đường cao tốc ở bang Oregon, ngày 29-6. Ảnh: REUTERS
Thống đốc bang Oregon Kate Brown đã ban bố tình trạng khẩn cấp do "mối đe dọa cháy rừng" trong khi Cục thời tiết quốc gia Mỹ tại Portland cũng đưa ra cảnh báo đỏ cho các khu vực có nguy cơ cháy lớn do gió thổi mạnh.
Sở Cứu hỏa Portland đồng thời cấm người dân sử dụng pháo hoa trong buổi lễ mừng Ngày Độc lập 4-7 tới này, Reuters đưa tin.
Còn ở Washington, mức nhiệt độ cao nhất tại tiểu bang này ghi nhận được là 48 độ C vào ngày 29-6. Cơ quan y tế bang Washington cũng tiết lộ số người nhập viện liên quan đến đợt nắng nóng lần này cũng tăng vọt.