Lãnh đạo cấp cao LHQ: 2021 sẽ là năm thảm họa 'tồi tệ nhất'

Lãnh đạo một số tổ chức chuyên trách của Liên Hợp Quốc (LHQ) lo ngại đại dịch COVID-19 sẽ biến 2021 thực sự trở thành một năm thảm họa, hãng tin Reuters cho hay.

Phát biểu tại phiên họp đặc biệt trong hai ngày 3-12 và 4-12 của Đại Hội đồng LHQ về đại dịch COVID-19, Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực thế giới (WFP) David Beasley và Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ lo ngại về những ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 và tâm lý tranh giành vaccine giữa các nước.

Ông Beasley cho rằng "dựa vào những gì chúng ta đang thấy ở giai đoạn này của cuộc chiến (chống COVID-19 - PV), 2021 sẽ trở nên cực kỳ thảm khốc theo đúng nghĩa đen" và hàng chục quốc gia đang đối mặt với nguy cơ xảy ra nạn đói. 

Giám đốc điều hành WFP David Beasley (trên, bên trái) tham dự phiên họp đặc biệt (trực tuyến) của LHQ về COVID-19 hôm 4-12. Ảnh: TWITTER

Theo số liệu được LHQ công bố hồi đầu tuần này, đại dịch COVID-19 đã làm tăng áp lực cứu trợ nhân đạo tại nhiều khu vực trên thế giới, tăng tổng số người cần trợ giúp thêm 40%. Tổ chức này đang kêu gọi khoảng 35 tỉ USD cho các chương trình cứu trợ nhân đạo.

Ông Beasley cho rằng năm tới sẽ là "năm khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất" trong lịch sử 75 năm của LHQ. Ông cũng nhấn mạnh LHQ cần xác định ưu tiên cứu trợ vì "chúng ta không thể tài trợ cho mọi thứ".

Trong khi đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros kêu gọi đầu tư ngay lập tức 4,3 tỉ USD cho chương trình Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19 (ACT-A) của WHO.

Khoản tiền 4,3 tỉ USD trên chỉ là phần kinh phí cấp bách nhất, liên quan tới việc phân phối các bộ xét nghiệm nhanh, thuốc điều trị và vaccine, trong số 28,2 tỉ USD mà WHO cần được hỗ trợ để có thể hoàn thành ACT-A theo đúng kế hoạch.

Ông Tedros lo ngại về việc các nước lớn chi mạnh tay và mua hết lượng vaccine ngừa COVID-19, đẩy các nước nghèo vào tình cảnh khó khăn hơn.

"Chúng ta không thể đơn giản chấp nhận một thế giới mà ở đó, người nghèo và người chịu thiệt thòi bị những người giàu và người có quyền lực giẫm đạp khi chen lấn tìm vaccine" - ông Tedros nhấn mạnh.

"Đó là một cuộc khủng hoảng toàn cầu và các giải pháp (chống lại đại dịch COVID-19 - PV) phải được chia sẻ công bằng như các loại hàng hóa công cộng toàn cầu" - ông Tedros nói tiếp.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres và các quan chức hàng đầu của tổ chức này cũng kêu gọi các nước giàu hỗ trợ các nước kém phát triển hơn chống lại COVID-19 và khôi phục kinh tế sau đại dịch.

Thế giới đã phát hiện tổng cộng hơn 66.176.500 ca nhiễm COVID-19. Trong đó, gần 1.523.200 trường hợp đã tử vong, theo chuyên trang thống kê Worldometers

 

Bên cạnh đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu cũng là một thách thức cần được đặc biệt quan tâm.

Châu Á - châu lục có diện tích và dân số lớn nhất trong các châu lục của thế giới - được cảnh báo có thể đối diện với những đợt nắng nóng khủng khiếp, ảnh hưởng trực tiếp tới khoảng 1 tỉ người, theo công ty tham vấn Viện McKinsey toàn cầu (MGI).

Các đợt nắng nóng khủng khiếp có thể ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, nông nghiệp và nhiều ngành kinh tế khác.

Cùng với nhiều nước tại Nam Á và Đông Nam Á, Việt Nam nằm trong danh sách những nước được cảnh báo đặc biệt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm