Hồi cuối tháng 4, trong cuộc họp quan trọng tại căn cứ không quân Mỹ ở Ramstein (Đức), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết 31 xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams của Mỹ đã lên đường tới Đức để chuẩn bị cho các đợt tập huấn với quân Ukraine, theo hãng tin AFP.
Ông Austin lưu ý: “Nhóm xe này chỉ dùng để huấn luyện, không dùng để chiến đấu. Nhóm 31 xe tăng Abrams khác hiện đang được tân trang ở Mỹ, và sẽ được chuyển giao cho Ukraine ngay khi sẵn sàng.”
Xe tăng M1 Abrams của Mỹ trong một cuộc tập trận. Ảnh: REUTERS |
Không lâu sau đó, các nguồn tin tình báo Anh cho biết Nga có khả năng sẽ triển khai xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata tới chiến trường Ukraine để nhắm mục tiêu các đơn vị chủ lực của quân Kiev.
Mới đây đài Ria Novosti đưa tin hiện T14 chưa tham gia vào các cuộc “đụng độ” trực tiếp trên chiến trường, nhưng sắp tới nhiều khả năng Nga sẽ triển khai loại xe tăng này tới Ukraine để giúp các lực lượng Moscow tăng khả năng đối phó các loại vũ khí chống tăng.
T-14 Armata và M1 Abrams: Nhiều khác biệt
Theo 19forty five, truyền thông Nga trước giờ đã ca ngợi T-14 là loại xe tăng chiến đấu thế hệ mới tích hợp nhiều tính năng đột phá, so với các xe tăng hiện đại khác trên thế giới thì T-14 không có đối thủ, ngay cả xe tăng M1 Abrams - xe tăng chiến đấu “đắt đỏ” nhất mà Mỹ sở hữu.
Abrams nặng hơn 73 tấn, có thể di chuyển với vận tốc 67km/h. “Abrams cung cấp cho các lực lượng sử dụng nó ưu thế vượt trội bằng hỏa lực mạnh mẽ, khả năng hoạt động bền vững trên chiến trường và có thể được dùng để triển khai những chiến lược táo bạo” - ông Kris Osborn - chuyên gia quân sự Trung tâm Hiện đại hóa Quân đội Warrior Maven (Mỹ) nói với 19forty five.
Trong khi đó, theo Ria Novosti, T-14 nặng 48 tấn, T-14 có thể di chuyển với vận tốc 90 km/h ở địa hình phẳng và 69km/h ở địa hình gồ ghề. Nó được xem là sự thay đổi mang tính cách mạng lớn nhất đối với ngành sản xuất xe tăng trong vòng nửa thế kỷ qua.
Theo ông Osborn, khác với Abrams - loại xe tăng được tạo ra chủ yếu để chống các đội xe tăng chiến thuật, T-14 là loại xe tăng chiến đấu đa năng, đa nhiệm vụ, phù hợp cho các hoạt động đặc biệt như chống tăng, phát hiện và bắn hạ tên lửa của kẻ thù, phát hiện và hạ gục các mục tiêu trên mặt đất và trên không.
Theo 19forty five, một khác biệt nữa của T-14 so với Abrams là nó có tháp pháo không người lái và khoang chứa vũ khí riêng biệt. Điều này tạo sự an toàn cho tổ lái trong trường hợp xe tăng bị tấn công.
Hệ thống bảo vệ
Abrams có lớp giáp bảo vệ năng động được lấp ở phần thân xe tăng. Lớp giáp này có chứa chất nổ để cho nổ tung hoặc làm hỏng một phần đạn của quân địch. Giới quan sát quân sự cho rằng đây là một lối phòng thủ mang tính chủ động đầy sáng tạo.
Trong khi đó, T-14 được cho là được trang bị lớp áo giáp tiên tiến hơn bởi lớp áo này được làm từ các vật liệu composite mới nhất trộn với thép đặc biệt. Theo các chuyên gia quân sự, lớp giáp đặc biệt của T-14 cho phép nó có thể vô hiệu và phá hủy một số loại đạn từ kẻ thù.
Xe tăng T-14 Armata của Nga. Ảnh: CREATIVE COMMONS |
Phiên bản M1 cũng được trang bị hệ thống bảo vệ chủ động Softkill, mục đích của nó là tạo ra nhiễu tác động vào các hệ thống tên lửa chống tăng bán tự động. Tuy nhiên hệ thống Softkill không thể so sánh với hệ thống bảo vệ chủ động Afganit, được cài đặt trên T-14.
Theo 19forty five, Abrams được trang bị hệ thống bảo vệ chủ động Softkill, cho phép nó tạo ra nhiễu tác động vào các hệ thống tên lửa chống tăng bán tự động. Nhưng hệ thống Softkill này không thể so sánh với hệ thống bảo vệ chủ động Afganit, được cài trên T-14. Afganit sử dụng 2 hệ thống bảo vệ để phát hiện các mục tiêu gây ra mối đe dọa cho sự an toàn của xe tăng ở cách xa 100 km.
Khả năng tấn công
Chuyên gia quân sự Kyle Mizokami của Tạp chí khoa học và công nghệ Popular Mechanics (Mỹ) cho biết T-14 có khả năng bắn trúng các mục tiêu bằng tên lửa chống tăng ở khoảng cách lên tới 12 km, trong khi Abrams lại có tầm bắn ngắn hơn - 4 km.
Ngoài ra, khác với Abrams, các tên lửa có điều khiển của T-14 có thể được dùng để nhắm các mục tiêu trên mặt đất, máy bay, và máy bay không người lái (UAV).
Theo các chuyên gia quân sự, T-14 có lợi thế về tốc độ bắn, vì Abrams không có hệ thống súng tự động nạp đạn - chức năng này ở T-14 được thực hiện bởi một thành viên phi hành đoàn đặc biệt. Ngoài ra, xe tăng của Nga còn nhẹ hơn, nhanh hơn so với xe tăng Mỹ. Những điều này khiến giới quan sát tin rằng nếu chạm mặt nhau trên chiến trường ở khoảng cách trung bình và xa, nhiều khả năng T-14 sẽ giành được lợi thế trước Abrams.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Guy McCardle của tạp chí quân sự Special Operations Forces Report, yếu tố mang tính quyết định khi T-14 gặp các loại xe tăng của phương Tây không nằm ở thiết kế của ai tinh vi hơn, mà nằm ở chiến thuật của ai hoạt động tốt hơn.