Cả đất nước Philippines những ngày qua lại thêm một lần xôn xao vì tuyên bố ngày 29-8 của Tổng thống Rodrigo Duterte: Gia đình cố Tổng thống Ferdinand Marcos đã bày tỏ ý định trả lại một phần tài sản bị cáo buộc là do làm lợi bất chính mà có.
Thành trì vững chắc phía Bắc
Malacañang là tên gọi của dinh tổng thống Philippines đặt tại thủ đô Manila. Nhưng cũng trên bán đảo Luzon, cách thủ đô Philippines hơn 500 km còn có một Malacañang thứ hai: Malacañang của phía Bắc. Tòa dinh thự này được xây dựng vào thập niên 1970 làm tư dinh của cố Tổng thống Ferdinand Marcos, ngay tại tỉnh Ilocos Norte quê nhà.
Đất nước Philippines đã trải qua đến sáu đời tổng thống kể từ cuộc cách mạng “Quyền lực nhân dân” tháng 2-1986, lật đổ Tổng thống Ferdinand Marcos buộc ông phải tháo chạy đến Hawaii (Mỹ). Cựu Tổng thống nhiều tai tiếng của Philippines trút hơi thở cuối cùng vào ngày 28-9-1989 trong tình cảnh lưu vong nơi xứ người. Đã gần ba thập niên trôi qua, thế nhưng vùng Ilocos Norte vẫn luôn là một thành trì chính trị vững chãi của nhà Marcos. Lòng mến mộ của người dân vùng Ilocos với cố lãnh đạo và gia đình của ông vẫn còn rất mãnh liệt. Trong tâm trí của những người trung thành với dòng họ Marcos, tổng thống đời thứ 10 của Philippines không phải là một nhà độc tài và không dính gì đến vụ ám sát cựu nghị sĩ Benigno “Ninoy” Aquino Jr. làm rúng động chính trường Philippines năm 1983.
Sự trung thành đối với gia đình Marcos không chỉ gói gọn trong tỉnh Ilocos Norte mà còn tỏa rộng khắp ba vùng phía Bắc đảo Luzon tạo thành một khối chính trị có năm triệu cử tri đoàn kết. Chính trường Philippines ví von đây là “thành trì phía Bắc” và là “đất nước của Marcos” suốt nhiều thập niên qua, theo Straits Times. Thành trì này cũng chính là bàn đạp cho sự hồi sinh ngoạn mục của gia tộc Marcos ở Philippines.
Ba thế hệ nhà Marcos tranh cử tại tỉnh Ilocos Norte (từ trái qua): Cựu đệ nhất phu nhân Imelda, cháu trai Matthew và con gái Imee. Ảnh: RAPLER
Thi hài cố Tổng thống Ferdinand Marcos cuối cùng đã được an táng tại nghĩa trang của các anh hùng ở Manila.
Sự hồi sinh của nhà Marcos
Gia đình Marcos đã thoát được cảnh sống lưu vong nơi xứ người vào năm 1991 khi nữ Tổng thống Corazon Aquino, đối thủ chính trị của nhà Marcos, cho phép cựu đệ nhất phu nhân Imelda Marcos trở về quê hương để bị xét xử các tội danh tham nhũng và trốn thuế. Lợi dụng sức ảnh hưởng còn lớn trong hệ thống tòa án Philippines, bà Imelda thoát tội ngoạn mục và được xử trắng án.
Chỉ một năm sau, nhà Marcos tiếp tục gây nên cú sốc lớn trong chính trường Philippines. Bà Imelda quyết định ứng cử tổng thống với khẩu hiệu đưa đất nước “vĩ đại trở lại”, về thứ năm trong cuộc chạy đua vào dinh Malacañang. Cùng năm đó, người con trai của gia đình là Bongbong Marcos giành được ghế hạ nghị sĩ đại diện cho quê nhà Ilocos Norte. Trong cuộc bầu cử Quốc hội ba năm sau, bà Imelda giành chiến thắng áp đảo, trở thành hạ nghị sĩ cho tỉnh Leyte, làm bàn đạp để tranh cử tổng thống vào năm 1998. Dù giấc mộng quyền lực của bà Imelda không thành, gia tộc Marcos vẫn xây dựng được nền móng chính trị vững chắc tại Ilocos Norte. Người con trai Bongbong trở thành thống đốc tỉnh, còn trưởng nữ Imee Marcos “kế thừa” chiếc ghế hạ nghị sĩ của anh mình.
Bongbong Marcos đang là chính trị gia thành công nhất của gia đình Marcos. Năm 2010 ông lên đến ghế thượng nghị sĩ Philippines. Năm 2016 Bongbong tiếp tục chạy đua vào dinh Malacañang nhắm đến ghế phó tổng thống Philippines. Dù thua sát nút nhưng con trai cưng của ông Ferdinand Marcos vẫn là thành viên gia đình giành được vị trí chính trị cao nhất kể từ khi chấm dứt cảnh sống lưu vong.
Sự hồi sinh của nhà Marcos trên chính trường Philippines đã giúp dòng họ quyền thế tỉnh Ilocos Norte hoàn thành được tâm nguyện lớn nhất gần ba thập niên qua: An táng cố Tổng thống Ferdinand Marcos như một anh hùng dân tộc. Năm 1993, chính nhờ sức ảnh hưởng tại vùng Ilocos mà gia đình Marcos đạt được thỏa thuận với Tổng thống Fidel Ramos đưa thi hài cố Tổng thống Ferdinand Marcos trở về Philippines. Theo thỏa thuận này, thi hài ông Ferdinand Marcos sẽ được an táng tại nghĩa trang TP Batac, tỉnh Ilocos Norte. Gia đình Marcos sau đó bất ngờ xé bỏ thỏa thuận, cho bảo quản thi hài ông Marcos và đòi tổ chức lễ an táng tại Libingan ng mga Bayani (nghĩa trang của các anh hùng) ở thủ đô Manila, nơi an nghỉ của các anh hùng chiến tranh và các cố tổng thống Philippines. Mãi đến tháng 11-2016, nhờ vào sự ủng hộ của nhà Marcos trong giai đoạn tranh cử của Tổng thống Duterte, thi hài ông Ferdinand Marcos được cho an táng tại Libingan ng mga Bayani bất chấp sự phản đối của nhiều chính khách và người dân.
Con gái ông Marcos, bà Imee Marcos, nay là thống đốc tỉnh Ilocos Norte, cám ơn Tổng thống Duterte vì cho phép di hài cha bà được mai táng ở nghĩa trang anh hùng dân tộc. “Hôm nay, cuối cùng nguyện vọng được chôn bên cạnh các binh sĩ dưới quyền mình của cha tôi đã được thực hiện” - Reuters dẫn lời bà Imee Marcos. Lễ mai táng diễn ra theo nghi thức dành cho các anh hùng. Di hài của ông Marcos được đội binh danh dự đưa tiễn với 21 phát đại bác. Một lá cờ Philippines được trao cho quả phụ Imelda Marcos.
Di sản nhiều tranh cãi
Đối với những nhóm phản đối sức ảnh hưởng của gia tộc Marcos, việc chôn cất thi hài cố Tổng thống Ferdinand Marcos tại Libingan ng mga Bayani đã viết lại lịch sử của đất nước, theo Straits Times. Đất nước Philippines và thế hệ những người chống lại chính quyền Marcos vẫn chưa nguôi ngoai những vết thương quá khứ. Trong suốt giai đoạn thiết quân luật dưới thời ông Marcos, đã có gần 90.000 người bị tống giam, hơn 6.000 người bị tra tấn và ít nhất 2.500 người nghi bị tử hình. Đối với những nạn nhân này và gia đình họ, việc chôn cất ông Marcos ngang hàng với các anh hùng là một sự sỉ nhục lịch sử dân tộc.
Tuy nhiên, hơn 30 năm sau cuộc cách mạng 1986 lật đổ ông Marcos, những dấu ấn thù hằn cũng dần phai nhạt. Thế hệ những người trẻ Philippines sinh sau năm 1986 chỉ biết đến Marcos cùng các chính sách của ông qua sách giáo khoa và phim tư liệu. Những hứa hẹn trong cuộc biến động chính trị lịch sử đó không được hoàn thành khiến giới trẻ nước này cũng không quá ám ảnh về cái tên Ferdinand Marcos và cảm thấy dễ dàng tha thứ hơn.
Trong một bài phóng sự của CNN Philippines vào giữa năm 2016 bên trong “thành trì” Ilocos, nhiều thế hệ người dân vùng này vẫn ghi nhận những công lao mà Ferdinand Marcos làm được cho tỉnh nhà và đất nước, từ xây dựng đường sá, bệnh viện đến vực dậy nền kinh tế đất nước. Đối với họ, những vi phạm nhân quyền trong giai đoạn ông Ferdinand Marcos áp đặt thiết quân luật là do những thuộc cấp gây nên mà ông không hề hay biết. Trả lời CNN Philippines, cựu công tố viên Manuel Aurelio của tỉnh này khẳng định: “Một người trung thành với nhà Marcos sẽ xem ông ấy như một con người hoàn hảo. Tôi không cuồng đến thế nhưng với tôi ông ấy là một tổng thống tốt, một công bộc tốt của người Philippines. Ông ấy có thể mắc sai lầm nhưng nào có ai mà không mắc sai lầm”.
Còn nhiều gia đình quyền lực Tại Philippines, gia đình cố Tổng thống Ferdinand Marcos không phải là gia tộc quyền lực duy nhất. Dòng họ Aquino cũng có hai thế hệ làm tổng thống là bà Corazon Aquino (1986-1992), nữ tổng thống đầu tiên của Philippines và sau đó là người con trai Benigno Aquino (2010-2016). Tổng thống đương nhiệm Rodrigo Duterte cũng xuất thân từ một gia đình có truyền thống chính trị. Gia đình ông đã lãnh đạo tỉnh Davao suốt nhiều thế hệ với cha từng là cựu thống đốc của Davao những năm 1950. Con gái ông cũng đang giữ chức thị trưởng TP Davao. |
___________________
Kỳ tới: Sóng gió hậu duệ gia đình Lý Quang Diệu