Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo) là một tội phạm đang thụ án tù tại nước CHND Trung Hoa. Ngày 18/1/2010, ông ta đã được một số đại gia như Đạt Lai Lạt Ma, Václav Havel (cựu Tổng thống Cộng hòa Czech), André Glucksmann (triết gia phương Tây hiện đại), Vartan Gregorian (Chủ tịch Carnegie Corporation of New York), Mike Moore (chính trị gia, cựu Thủ tướng New Zealand), Karel Schwarzenberg (cựu cố vấn của Vaclav Havel), Desmond Tutu (Nobel Hòa bình 1984) và Grigory Yavlinsky (chính trị gia Nga) đề cử vào vị trí chủ nhân của Giải Nobel Hòa bình 2010 vì "công lao hoạt động nhân quyền" của ông ta. Ngày 8/10 vừa qua, tin Lưu Hiểu Ba đoạt Giải Nobel Hòa bình 2010 đã được công bố chính thức. Giải thưởng được trao tại Oslo (Na Uy) vào ngày 10/12, gồm 1 huy chương, 1 bằng chứng nhận và tờ séc 10 triệu cua-ron, tương đương với 1 triệu euro.
Ông Lưu Hiểu Ba
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc là Mã Triều Húc (Ma Zhaoxu) đã tuyên bố rằng đây là một "việc làm hoàn toàn sai trái". Nhưng ta sẽ không xét vấn đề theo quan điểm của Trung Quốc, mà theo cách nhìn bình tâm và khách quan của người dân lương thiện trên thế giới.
Sinh năm 1955 tại Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc, Lưu Hiểu Ba xuất thân từ một gia đình trí thức đảng viên (cộng sản). Lưu là người thuộc thế hệ đầu tiên sau Cách mạng văn hóa vô sản được vào đại học. Năm 1982, ông ta tốt nghiệp Đại học Cát Lâm, hệ Trung văn với học vị học sĩ (cử nhân) văn học rồi vào Đại học Sư phạm Bắc Kinh và lấy học vị thạc sĩ văn khoa năm 1984. Được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy hệ Trung văn, đến năm 1988 thì Lưu bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại đây.
Từ tháng 8 đến tháng 11/1988, ông ta được thỉnh giảng về văn học Trung Quốc đương đại tại Đại học Oslo, Na Uy. Từ tháng 12/1988 đến tháng 2/1989, Lưu giảng dạy và nghiên cứu về triết học Trung Quốc và về tình hình chính trị ở Trung Quốc hiện đại tại Đại học Hawaii. Từ tháng 3 đến tháng 5/1989, Lưu là học giả - khách mời tại Đại học Columbia. Lưu Hiểu Ba có với vợ trước là Đào Lực một người con là Lưu Đào và đã ly hôn sau sự kiện ngày 4/6/1989. Đến năm 1996 thì kết hôn với Lưu Hà.
Lưu Hiểu Ba từng tham gia cuộc biểu tình ngày 4/6/1989, sau khi từ Mỹ về; sau đó viết bài, viết sách trình bày quan điểm kêu gọi cải cách. Năm 2008, Lưu đưa ra Hiến chương 08, bắt chước theo kiểu Hiến chương 77 của Tiệp Khắc hồi tháng 1/1977.
Lưu bị bắt ngày 23/7/2009 vì bị nghi ngờ về tội kích động lật đổ chính quyền. Ngày 25/12/2009 thì bị kết án 11 năm tù giam về tội lật đổ, hiện ngồi tù tại trại giam Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh.
Nhưng cái chuyện "khôi hài đại sự" của "nhà hoạt động nhân quyền" họ Lưu mà chúng tôi muốn nói đến lại là chuyện sau đây. Năm 1988, trong một cuộc phỏng vấn, phóng viên tờ Giải phóng nguyệt báo (nay là Khai phóng tạp chí) của Hồng Công đã hỏi Lưu Hiểu Ba: "Với những điều kiện nào thì Trung Quốc mới có thể thực hiện được một cuộc cách mạng lịch sử thật sự?". Lưu Hiểu Ba đã tung ra một câu trả lời xanh rờn: “Làm thuộc địa 300 năm. Hồng Công 100 năm làm thuộc địa mới có thể trở thành như ngày nay. Trung Quốc rộng lớn như thế, tất nhiên cần phải là thuộc địa đến 300 năm thì mới có thể trở thành như Hồng Công ngày nay. Mà 300 năm đã đủ chưa, tôi vẫn còn nghi ngờ".
Than ôi! Nhà đấu tranh vì nhân quyền mà muốn cho đồng bào của mình phải làm nô lệ cho ngoại bang đến 300 năm thì có họa là một người điên. Mà người điên có khi còn tỉnh hơn Lưu Hiểu Ba. Chưa hết. Đến năm 2006, chẳng những Lưu Hiểu Ba nói rằng mình không rút lại lời tuyên bố năm 1988 mà còn nói rõ thêm: “Công cuộc hiện đại hóa Trung Quốc cần trải qua một quá trình Tây phương hóa lâu dài thì mới thực hiện được”.
Chính vì những lời lẽ như thế của Lưu Hiểu Ba mà nhiều nhân sĩ, trí thức Trung Quốc đã đánh giá tư tưởng của họ Lưu là chủ nghĩa bán nước. Họ chưa gọi anh ta là Hán gian thì cũng còn là may! Còn trong bài "Medal Contention" đăng trên South China Morning Post (Hồng Kông) ngày 12/10/2010 thì hai đồng tác giả là GS Barry Sautman, thuộc Đại học Khoa học & Công nghệ Hồng Công và nhà nhân loại học Yan Hairong (Nghiêm Hải Dung) đã khẳng định rằng cần phải xét kỹ càng những mục tiêu chính trị và xã hội của Lưu Hiểu Ba: nó hiển nhiên đi ngược lại quyền lợi của đại đa số nhân dân Trung Quốc. Xin nhấn mạnh rằng cả tờ báo lẫn hai tác giả trên đây không hề đứng về phía nhà cầm quyền Trung Quốc. Họ chỉ nói lên quan điểm cá nhân và theo họ, có khi Nhà nước Trung Quốc cũng chẳng cần xử tù Lưu Hiểu Ba mà chỉ cần vạch ra cho dân chúng biết con đường họ Lưu chủ trương để cho họ quay lưng với cái tương lai tởm lợm mà Lưu đã gợi ra cho họ.
Còn Domenico Losurdo, triết gia, nhà sử học người Italia, giáo sư ở Đại học Urbino, trong bài "Lưu Hiểu Ba là ai?" (dịch và đăng lại trên Voltairenet.org ngày 14/10/2010) thì gợi ý người đọc về lịch sử. Ông nhắc lại rằng ngay trong những quyển sách lịch sử của phương Tây, người ta cũng biết được rằng từ sau Chiến tranh Nha phiến thì lịch sử Trung Quốc bắt đầu đi vào giai đoạn bi đát nhất: một đất nước có một nền văn minh rất cổ xưa đã phải chịu khổ hạnh hết mức. Nhiều sử gia đầy uy tín đã khẳng định rằng, cuối thế kỷ XIX, những cái chết hàng loạt vì đói lả là chuyện bình thường hằng ngày. Còn với Lưu Hiểu Ba thì giai đoạn thực dân trị này lại quá ngắn ngủi; lẽ ra nó phải kéo dài gấp ba lần.
Losurdo cho rằng, ở đây, ta đang đứng trước chủ nghĩa phủ định. Thế mà, trong khi phương Tây không ngần ngại bỏ tù những "kẻ phủ định" đối với những nỗi ô nhục gây ra cho người Do Thái thì họ lại trao giải Nobel Hòa bình cho "kẻ phủ định" đối với những nỗi ô nhục mà chủ nghĩa thực dân đã bắt nhân dân Trung Quốc phải chịu đựng một cách lâu dài.
Còn về tư tưởng "đối ngoại" thì, quá hiển nhiên, Lưu Hiểu Ba là một kẻ theo đuôi chủ nghĩa đế quốc đến mức khả ố. Năm 2006, trả lời phỏng vấn của một nhà báo Thụy Điển về cuộc chiến ở Iraq, Lưu đã không ngần ngại tuyên bố hoàn toàn ủng hộ hành động tấn công Iraq của G.W.Bush và chỉ trích việc Chính phủ Pháp phản đối cuộc chiến này. Lưu cho rằng do chủ nghĩa khủng bố của Iran và sự kiện 11-9 ở WTC (New York) nên Bush mới phát động cuộc chiến và đây là một việc làm cần thiết.
Đặc biệt, Lưu đã ca ngợi cái chết của binh sĩ Hoa Kỳ ở Iraq, rằng đó là những cái chết không thể nào quên. Lưu rất vui mừng trước cái chết của Chủ tịch Yasser Arafat - Tổng thống Palestine, gọi ông là phần tử khủng bố. Lưu cho rằng cái chết đó đem lại hy vọng thật sự cho hòa bình ở Trung Đông.
Một nhân vật như thế mà đoạt Nobel Hòa bình thì chẳng phải là chuyện hài cho thế giới cười chơi hay sao? Như Losurdo đã khẳng định một cách khinh bỉ, nó đã được trao cho một kẻ hoài niệm chế độ thực dân, chỉ nhìn thấy lối thoát từ việc các đạo quân ngoại bang chà đạp lên nền văn hóa của chính mình. Vì vậy nên Lưu Hiểu Ba chỉ xứng đáng với Ig Nobel mà thôi.
Nhưng xin chớ lấy làm lạ vì, cũng đã từ lâu, Ủy ban Giải thưởng Nobel Hòa bình đã đánh bạn với các thế lực đen tối trên thế giới. Theo Tân Hoa xã ngày 15/10 từ Oslo, thì Fredrik Heffermehl, một luật gia người Na Uy, chiến sĩ hòa bình, đánh giá rằng, 9 trong 10 giải Nobel Hòa bình gần đây đều "không hợp pháp". Ông nói với phóng viên Tân Hoa xã tại Oslo: “Sự đánh giá của tôi đối với di chúc của Nobel về mặt pháp lý, điều mà chưa ai làm, chứng tỏ rằng ngày nay, giải thưởng này chỉ còn là của Nobel ở cái tên. Trong thực tế, nó là giải thưởng của Quốc hội Na Uy".
Heffermehl rút ra kết luận này từ việc nghiên cứu tỉ mỉ di chúc của Alfred Nobel, cũng như việc đánh giá kỹ lưỡng về pháp lý những giải Nobel Hòa bình đã trao trong vòng 109 năm trở lại đây. Ông nói: "Những giải đã trao không tôn trọng Nobel; Nobel chủ trương ủng hộ việc giải trừ vũ khí toàn cầu". Heffermehl đã giải thích rõ vấn đề trong quyển sách của ông nhan đề “Nobels vilje” (Ý nguyện của Nobel), dày 238 trang, xuất bản năm 2008. Và cái kết luận mà Heffermehl muốn mọi người được biết về giải thưởng lẽ ra rất danh giá này là: Năm nay, một lần nữa, mặc dù được cảnh báo về nghĩa vụ hợp pháp của mình, Ủy ban Nobel vẫn không dám thách thức các thế lực mạnh nhất trong các vấn đề thế giới là con khủng long quân sự - công nghiệp.
Rủi thay. Trên thế giới, vẫn có những trí thức làm tay sai cho con khủng long này; kẻ thì làm một cách hoàn toàn tự giác, người thì làm một cách hoàn toàn vô ý thức.
Theo An Chi (ANTG)