Bộ Ngoại giao Syria vào ngày 2-8 lên án hợp đồng khai thác năng lượng của một công ty Mỹ với Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) ở khu vực Đông Bắc nước này.
Tuyên bố trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi thỏa thuận khai thác dầu giữa Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) và một công ty Mỹ được đề cập trong phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ vào ngày 30-7.
Tại phiên điều trần, thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham cho biết Tổng tư lệnh Lực lượng SDF - ông Mazloum Abdi đã xác nhận việc ký kết thoả thuận nhằm “hiện đại hoá các mỏ dầu ở khu vực đông bắc Syria” với một công ty Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngay sau đó bày tỏ sự ủng hộ của chính phủ đối với thoả thuận này.
“Chúng tôi sẽ hỗ trợ, dù cho thoả thuận này đã tốn nhiều thời gian hơn mong đợi để đạt được” - ông Pompeo nói.
Một giếng dầu ở khu vực đông bắc Syria do người Kurd quản lý . Ảnh: THE ASSOCIATED PRESS
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Syria cho biết Damascus chỉ trích gay gắt thoả thuận đã ký giữa Lực lượng dân quân al-Qasd (SDF) với một công ty của Mỹ nhằm khai thác trộm dầu mỏ của Syria với sự tài trợ và hậu thuẫn từ Washington.
“Thoả thuận này là vô hiệu và không có cơ sở pháp lý” - tuyên bố khẳng định.
Syria từng sản xuất được khoảng 380.000 thùng dầu mỗi ngày trước khi rơi vào tình trạng nội chiến vào năm 2011.
Damascus đã mất quyền kiểm soát hầu hết các mỏ dầu chiến lược nằm ở phía đông sông Euphrates (thuộc tỉnh Deir ez-Zor phía đông Syria, giáp với Iraq) trong giai đoạn tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) xuất hiện và chiếm giữ phần lớn lãnh thổ Syria.
Vị trí các mỏ dầu chiến lược mà chính phủ Syria đang mất kiểm soát ở khu vực đông bắc nước này. Ảnh: CBS NEWS
Tháng 12-2018, dù tuyên bố rút quân khỏi Syria Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn duy trì một lượng nhỏ quân Mỹ ở “những nơi có dầu” thuộc khu vực do người Kurd quản lý .
Đến cuối năm 2019, Lầu Năm Góc cho biết doanh thu từ các mỏ dầu sẽ được chuyển cho Lực lượng SDF – các nhóm dân quân do người Kurd lãnh đạo và được Mỹ hậu thuẫn tại khu vực đông bắc Syria.