Đến giờ phút này, các chính sách của chính phủ Obama ở Trung Đông vẫn chưa đạt được thành công vững chắc nào, nếu không muốn nói là thất bại. Đây là nhận định của nhà nghiên cứu cấp cao Kenneth M. Pollack tại Viện nghiên cứu chính sách Brookings (Mỹ) và Giáo sư Barbara F. Walter tại Trường Chính sách và Chiến lược Toàn cầu thuộc Đại học California San Diego.
Trong một bài viết trên báo Wall Street Journal (Mỹ), hai chuyên gia nhận định, trong khi các cuộc nội chiến ở Trung Đông như căn bệnh lây nhiễm kéo cả khu vực vào thảm họa thì việc Mỹ chỉ tập trung vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hầu như sẽ không giải quyết được gì về lâu dài.
Tập trung phần ngọn - cực đoan, không giải quyết phần gốc - nội chiến
Những gì Nga đang làm - chọn đứng về phía người Hồi giáo Shiite, chọn chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad trong xung đột ở Syria - phần nào có ý nghĩa với người dân Trung Đông. Các nước Ả rập Sunni – vốn là các đồng minh của Mỹ - không hài lòng nhưng hiểu được lựa chọn của Nga. Trong khi đó điều mà các nước này không hiểu được là chiến lược mà nước bảo hộ lâu dài, đồng minh của họ - Mỹ đã và đang theo đuổi ở Trung Đông.
Một biểu hiện của sự thiếu tin tưởng vào chính sách của Mỹ là đồng minh truyền thống của Mỹ ở khu vực là Saudi Arabia đã quyết định tự có các hành động tự vệ. Như hành hình một giáo sĩ người Shiite hồi đầu năm 2016, can thiệp vào nội chiến Yemen bằng cách ủng hộ chính phủ người Sunni lãnh đạo chống lại phe nổi dậy Houthis của người Shiite vốn được Iran ủng hộ.
IS chỉ là một hiện tượng của một vấn đề lớn hơn rất nhiều của Trung Đông. Việc Mỹ chỉ tập trung vào mỗi hiện tượng này – thay vì tập trung vào nguồn cơn của nó – và rồi cố gắng thuyết phục những nước khác trong khu vực cùng làm điều tương tự, là chiến lược vô nghĩa và đã tự chuốc lấy thất bại.
Hầu hết người dân Trung Đông ghê tởm IS và mong xóa sổ chúng. Nhưng IS không phải là căn nguyên vấn đề. Vấn đề thật sự của Trung Đông bắt nguồn từ thất bại của hệ thống quốc gia Ả Rập sau chiến tranh thế giới thứ hai, dẫn tới tình trạng quốc gia sụp đổ, thiếu khuyết quyền lực, rồi các cuộc nội chiến, như những gì đang xảy ra ở Iraq, Syria, Libya, và Yemen.
Các trận không kích của Mỹ ở Syria và Iraq không đem lại hòa bình thật sự cho khu vực. Ảnh: GETTY IMAGES
Hệ lụy từ các cuộc chiến này hiện đã tràn sang các nước láng giềng với những dòng người tị nạn khổng lồ, khủng bố, cực đoan hóa, bạo lực xuyên biên giới, hỗn loạn kinh tế, và gieo rắc bóng ma về xung đột giữa hai phe phái Sunni-Shiite ra cả khu vực. Hệ lụy bất ổn này đang đe dọa cả quyền lợi quốc gia châu Âu và Mỹ.
Chính các cuộc xung đột ở Trung Đông đã tạo ra các tổ chức cực đoan như IS, Al-Qaeda. IS – vốn là một phần của Al-Qaeda ở Iraq – chính thức được sinh ra sau khi Iraq xảy ra nội chiến. IS vốn đã gần như bị dập tắt sau khi Mỹ thành công chấm dứt nội chiến Iraq trong thời gian 2007-2010, tuy nhiên lại hồi phục khi nước láng giềng Syria lâm vào nội chiến năm 2011.
Kể từ đó, IS và Al-Qaeda dần lớn mạnh và trải rộng ảnh hưởng khắp khu vực. Tuy nhiên hoạt động của các tổ chức này chỉ hiệu quả ở những nước có nội chiến hoặc bất ổn như Syria, Yemen, Libya, Mali, Somalia, Ai Cập, và một lần nữa là Iraq.
Dù Mỹ có đánh tan, xóa sổ IS đi chăng nữa thì với tình hình các cuộc nội chiến lan tràn khắp khu vực thế này thì sẽ lại có các tổ chức cực đoan khác xuất hiện và thay thế. Nói cách khác, muốn chấm dứt khủng bố và cực đoan thì phải chấm dứt nội chiến.
Không ưu tiên chữa trị căn bệnh lây nhiễm nội chiến
Nội chiến hoàn toàn có thể lây nhiễm. Có thể thấy một nước sẽ dễ dàng xảy ra nội chiến nếu có biên giới với một quốc gia đang có nội chiến. Các cuộc nội chiến ở Iraq, Syria, Yemen, Libya càng kéo dài, nguy cơ các láng giềng bị lây nhiễm càng lớn. Jordan, Lebanon, Tunisia, Bahrain, Saudi Arabia, Kuwait đã và đang xảy ra xung đột bạo lực. Trong khi đó mầm mống nội chiến đã dần bắt lửa ở Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Nam Sudan.
Vậy Mỹ cần phải làm gì? Hãy nhìn lại những bài học từ lịch sử các cuộc nội chiến năm 1945.
Trái với nhận định của nhiều người, sức mạnh từ bên ngoài không thể dập tắt nội chiến của một nước khác. Từ năm 1945, hơn 20% của khoảng 150 cuộc nội chiến trên toàn cầu chấm dứt bằng các thỏa thuận thương lượng. Tỷ lệ này tăng lên gần 40% sau năm 1991 khi cộng đồng quốc tế đã biết cách làm thế nào để quá trình thương lượng diễn ra suôn sẻ, thành công đạt thỏa thuận. Trong khi đó can thiệp quân sự từ bên ngoài sẽ chỉ khiến tình hình nội chiến tồi tệ thêm.
Để thương lượng chấm dứt một cuộc nội chiến cần 3 điều:
1-chuyển động lực quân sự sang bối cảnh khiến không bên nào tham chiến nghĩ rằng mình có thể chiến thắng triệt để, và các bên đều tin rằng mình có thể hạ súng an toàn;
2-tạo ra cơ chế chia sẻ quyền lực giữa các nhóm tham chiến, đảm bảo công bằng trong phân phối sức mạnh chính trị và quyền lợi kinh tế, đảm bảo không đàn áp các nhóm thiểu số;
3-lập ra các cơ quan – trong nước hoặc ngoài nước – giám sát, đảm bảo hai điều trên được thực hiện.
Ba bước tiếp cận này đã giúp Mỹ dàn xếp thành công nội chiến Bosnia và từng thành công ở Iraq. Điều này sẽ thành công khi các bên liên quan có đủ nguồn lực và quyết tâm theo đuổi.
Vấn đề ở đây là chính phủ Tổng thống Obama không chọn theo đuổi cách giải quyết thông qua thương lượng này, ở cả Iraq và Syria.
Người dân Syria lầm lũi di tản khỏi Aleppo cuối tuần rồi. 6 năm nội chiến Syria chưa biết chừng nào kết thúc. Ảnh: GETTY IMAGES
Tại Syria, các nỗ lực ngoại giao của Mỹ cũng có bóng dáng sắp xếp chia sẻ quyền lực chính trị, tuy nhiên điều này sẽ không thành công một khi không có nỗ lực quân sự tương thích.
Nỗ lực quân sự này không cần phải quá tốn kém cả về tiền của và con người như các chiến dịch quân sự của Mỹ ở khu vực, trong đó có ở Afghanistan và Iraq. Nỗ lực quân sự này cần tạo ra một lực lượng đối lập hùng mạnh có khả năng khống chế các phe nhóm cực đoan và thể chế Tổng thống Bashar al-Assad, như trường hợp ở Syria. Một khi thế, các bên sẽ nhận ra thương lượng là con đường duy nhất.
Nỗ lực quân sự này cũng cần phải mang lại an ninh thật sự để các phe tham chiến và các bên bảo trợ tin tưởng sẽ không bị trả thù nếu buông bỏ vũ khí. Có thể thấy dễ dàng nhận thấy sự khuyết thiếu này ở Iraq. Chiến dịch chống IS do Mỹ dẫn đầu có thể cuối cùng sẽ trấn áp được IS, tuy nhiên Mỹ lại không thể hiện được nỗ lực theo đuổi một tiến trình chính trị hòa giải quốc gia để đạt được hòa bình lâu dài cho Iraq.
Những gì Mỹ và các đối tác trong liên minh của Mỹ đang là ở cả Iraq lẫn Syria đều chưa thể thuyết phục người dân hai nước tin tưởng những thay đổi Mỹ muốn tạo ra sẽ tồn tại lâu dài. Chừng nào Mỹ chưa có những bước đi thật sự nhằm vào ưu tiên chấm dứt các cuộc nội chiến ở Iraq và Syria thì Mỹ sẽ vẫn chưa đạt được thành công ở khu vực.