Tại sao ông Trump muốn mua đảo Greenland?

Sự quan tâm của ông Trump đối với việc mua Greenland được đăng tải lần đầu hôm 15-8 trên tờ The Wall Street Journal. Tờ này viết rằng những người có mặt trong các cuộc thảo luận cho biết Tổng thống Trump đã nêu vấn đề này trong các cuộc họp và bữa tối.

Bên cạnh đó, ông cũng đã hỏi các trợ lý và lắng nghe nghiêm túc về khả năng và lợi thế của việc sở hữu Greenland. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng yêu cầu cố vấn Nhà Trắng của mình nghiên cứu vấn đề này. 

Vì sao lại là Greenland?

Đầu tiên là vì Greenland được cho là vùng đất rất giàu tài nguyên thiên nhiên, bao gồm quặng sắt, chì, kẽm, kim cương, vàng, các nguyên tố đất hiếm, như uranium và dầu, theo đài CNN.

Thêm vào đó, phần lớn số khoáng sản trên hiện vẫn chưa được khai thác, do thực tế là 80% diện tích của đảo Greenland đều bị bao phủ bởi băng. Nhưng do sự nóng lên toàn cầu, dải băng đó đang tan chảy nhanh chóng. Hè này, các nhà khoa học NASA đã ghi nhận hai trong số những vụ tan băng lớn nhất trong lịch sử Greenland và sự việc này dự kiến sẽ giúp việc khai thác tài nguyên thiên nhiên của Greenland trở nên khả thi hơn.

Tổ chức hành động vì môi trường "Melting Ice" hồi tháng 5-2018 đã có ý định khắc mặt ông Trump cao 35 m lên một con sông ở Bắc Cực để thu hút sự quan tâm về biến đổi khí hậu. Nếu gây quỹ thành công, tác phẩm này sẽ được tiến hành sớm. Ảnh: Sáng kiến khắc khuôn mặt ông Trump lên một con sông băng ở Bắc Cực - Ảnh: Dự án Trumpmore

Thứ hai là nguyên nhân địa chính trị. Mỹ vốn đã có chỗ đứng tại hòn đảo lớn nhất thế giới này: Căn cứ không quân Thule. Theo báo Wall Street Journal, hòn đảo nằm ở vị trí cách vòng Bắc Cực khoảng 1.200km về phía bắc, căn cứ này chứa một trạm ra đa thuộc hệ thống cảnh báo sớm các tên lửa đạn đạo của Mỹ. Căn cứ này cũng hiện được Bộ Tư lệnh không gian Không quân Mỹ (AFSPC) và Bộ Tư lệnh Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ (NORAD) sử dụng.

Không chỉ Mỹ, các cường quốc như Nga và Trung Quốc cũng đang mở rộng hoạt động nhằm tạo dựng ảnh hưởng ngày một tăng ở Bắc Cực.

Thứ ba, ông Trump là một người rất quan tâm đến di sản của ông. Việc mua đảo Greenland sẽ là một gạch đầu dòng lớn trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.

Greenland có được bán cho Mỹ?

Có vẻ như không!

"Greenland rất giàu tài nguyên quý giá như khoáng sản, nguồn nước và băng tinh khiết nhất, cá, hải sản, năng lượng tái tạo và là một nơi mới cho du lịch mạo hiểm. Chúng tôi mở cửa để kinh doanh, không phải để bán." - chính quyền nước này đăng trên twitter vào sáng 16-8, sau khi có thông tin ông Trump muốn mua hòn đảo.

Chính quyền Greenland không có ý định bán nơi này cho Mỹ. Ảnh: REUTERS

Đan mạch hiện sở hữu Greenland nhưng hòn đảo này có chính quyền tự trị riêng. Nơi này được Đan Mạch cấp quyền tự trị vào năm 1979 và năm 2008 đã bỏ phiếu thông qua trưng cầu dân ý để tự chủ hơn nữa từ Đan Mạch. Greenland phụ thuộc hoàn toàn vào Đan Mạch về kinh tế. Chính quyền của xứ tự trị này chỉ lo các vấn đề đối nội, trong khi đối ngoại và an ninh quốc phòng thuộc trách nhiệm của Copenhagen.

Điều này có thực sự điên rồ?

Không. Theo nhà sử học Đan Mạch Tage Kaarsted, thật ra Mỹ từng muốn mua Greenland trước đây. 

Năm 1946, tức thời Tổng thống Harry Truman, ngoại trưởng Mỹ khi đó là James Byrnes đã đề cập ý tưởng mua Greenland với ngoại trưởng Đan Mạch tại một cuộc gặp của Liên Hiệp Quốc ở New York. 
Gần 100 năm trước đó, ngoại trưởng Mỹ William Seward - người đã nỗ lực xúc tiến thương vụ Alaska - cũng xem xét ý tưởng mua đảo Greenland từ Đan Mạch

Mỹ đã từng mua nhiều nước khác?

Một trong những lần cuối cùng Mỹ mua đất từ nước ngoài là vào năm 1867, khi ngoại trưởng Mỹ William Seward dàn xếp việc mua Alaska từ người Nga với giá 7,2 triệu USD. Vụ việc đã bị chỉ trích nặng nề vào thời điểm đó.

Mỹ cũng đã mua các đảo Philippines từ Tây Ban Nha vào năm 1898 với giá 20 triệu USD và Quần đảo Virgin từ Đan Mạch vào năm 1917 với giá 25 triệu USD.

Việc mua lại đất nổi tiếng nhất của Mỹ đã diễn ra trước đó, chính xác là năm 1803 khi Mỹ mua Louisiana từ Pháp. Mỹ đã trả 15 triệu USD vào thời điểm đó để mua vùng đất này. Đây là vùng đất chiếm gần 1/4 lãnh thổ hiện tại của Mỹ.


Greenland và Iceland là hai vùng đất mang hai cái tên trái ngược hoàn toàn với bản chất. Trong khi Iceland (vùng đất băng giá) được cây cỏ phủ xanh và chẳng hề có băng giá, thì Greenland (vùng đất xanh tươi) lại phủ tuyết quanh năm. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới