Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ ngày 22-6 xác nhận tàu ngầm mất tích trong lúc tham quan xác tàu Titanic đã phát nổ sau khi tìm thấy nhiều mảnh vỡ của nó dưới đáy biển.
Tàu ngầm có tên gọi Titan chở 5 người đã mất tích ở Bắc Đại Tây Dương vào ngày 18-6 sau khoảng 1 giờ 45 phút lặn xuống biển. Tàu ngầm này thuộc sở hữu của công ty OceanGate Expeditions và đang đưa hành khách tham quan xác tàu Titanic trong tour du lịch giá 250.000 USD/người.
Chuẩn Đô đốc John Mauger của Lực lượng Tuần duyên Mỹ cho biết một robot lặn đã phát hiện ra một mảnh vụn của tàu ngầm trên dưới đáy biển, cách mũi tàu Titanic khoảng 1.488 mét vào sáng 22-6 (giờ Mỹ).
Tàu lặn Titan của công ty OceanGate. Ảnh: THE PEOPLE |
Sau đó nhiều mảnh vỡ hơn được tìm thấy. Các chuyên gia cho rằng tàu ngầm dường như đã trải qua “một vụ nổ thảm khốc”.
Vị quan chức dự đoán có thể tàu ngầm đã nổ vài giờ sau khi bắt đầu chuyến thám hiểm và trước khi nó tiến gần xác tàu Titanic vì các mảnh vỡ của tàu Titan nằm khá gần với tàu Titanic. Ngoài ra, từ ngày 20 đến 22-6, đội cứu hộ không phát hiện tiếng nổ nào giống một vụ nổ tàu ngầm.
Đồng quan điểm với ông John Mauger, ông Guillermo Söhnlein - đồng sáng lập công ty OceanGate nói: “Nếu có sự cố thì đó sẽ là một vụ nổ tức thời. Nếu là một vụ nổ thì vụ việc đã xảy ra 4 ngày trước”.
Vậy tại sao tàu Titan phát nổ chỉ sau vài giờ xuống nước?
Câu trả lời mà nhiều chuyên gia đưa ra là do áp suất dưới đại dương quá lớn. Theo tạp chí khoa học Scientific American, nếu tàu ngầm Titan ở gần xác Titanic, nó sẽ phải chịu một áp lực cao hơn cả vết cắn của cá mập trắng.
Tiến sĩ Nicolai Roterman - một nhà sinh thái biển và là giảng viên về sinh vật biển tại Đại học Portsmouth (Anh) giải thích với tạp chí Forbes rằng khi ở độ sâu hơn 3.000m, tàu Titan phải chịu áp suất hơn 374 atm trong khi áp suất mà con người chịu từ khí quyển khi ở mặt biển chỉ là 1 atm.
Theo vị tiến sĩ, nếu tàu ngầm bị hỏng, người trên tàu trực tiếp chịu những áp suất này, họ sẽ tử vong ngay lập tức.
“Nếu có bất kỳ vết thủng nào trên thân tàu, những người trên tàu sẽ lập tức không chống nổi đại dương” - ông nói thêm.
Ông Stefan B. Williams - giáo sư về người máy hàng hải tại Đại học Sydney (Úc) cho biết trên trang The Conversation rằng một vụ nổ có thể xảy ra do thiết bị điều chỉnh áp suất của tàu Titan bị hỏng.
“Mặc dù thân tàu Titan được chế tạo bằng vật liệu composite có thể chịu được áp suất cực lớn dưới biển sâu, nhưng bất kỳ khiếm khuyết nào về hình dạng hoặc kết cấu của tàu đều có thể ảnh hưởng đến khả năng chịu áp suất của nó. Và nguy cơ nổ tung là rất cao” - ông cho biết.
Giáo sư William cũng lưu ý rằng “một thất bại của hệ thống áp suất” sẽ giống như “một quả bom nhỏ phát nổ”.
Cùng ý kiến với các chuyên gia trên, cựu chiến binh của lực lượng Hải quân Mỹ - Tiến sĩ Dale Molé cho rằng tàu ngầm phát nổ do áp suất bên ngoài quá lớn so với áp suất bên trong tàu.
Ông cho rằng buồng áp suất - hệ thống kiểm soát áp suất và cung cấp khí cho những người ngồi trên tàu - đã bị hỏng, có thể là do rò rỉ, mất điện hoặc chập điện gây cháy.
Theo hải quân Mỹ, các hành khách trên tàu được cho là đã thiệt mạng khi tàu phát nổ. Nhiệm vụ tiếp theo của lực lượng chức năng là tìm kiếm và trục vớt thi thể nạn nhân.