“Chúng tôi khẳng định các quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường, hỗ trợ của UBND huyện Thạnh Hóa đều thực hiện đúng quy định” - ngày 15-4, ông Nguyễn Văn Tạo, Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa, Long An, nói tại buổi họp báo về việc một số cán bộ tham gia cưỡng chế thu hồi đất tại thị trấn Thạnh Hóa bị người dân tấn công ngày 14-4 (Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin).
Chuẩn bị acid, dao, kéo để chống trả
Ông Nguyễn Văn Tạo, Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa, thông tin: Dự án công trình bờ kè thị trấn Thạnh Hóa do Bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư. Tỉnh Long An có nhiệm vụ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trong đó, phần hạng mục đê bao đoạn 1 (liên quan đến vụ cưỡng chế) dài 500 m, diện tích đất phải thu hồi gần 11.500 m2 với khoảng 80 hộ dân bị ảnh hưởng.
Đa số các hộ dân tại khu vực này đã chấp thuận tháo dỡ, bàn giao mặt bằng, chỉ cònba hộ Nguyễn Trung Can, Nguyễn Trung Tài và Nguyễn Thị Nhanhtrước đó đã di dời, sau lại xin quay về xây nhà tạm để ở rồi tái chiếm luôn mặt bằng. UBND huyện từng hai lần lên kế hoạch cưỡng chế nhưng sau đó lại hoãn do muốn tiếp tục vận động họ tự nguyện di dời. Tuy nhiên, do các hộ này không chấp hành nên UBND huyện phải xin chủ trương tiếp tục cưỡng chế và được tỉnh phê duyệt.
Sáng 14-4, khi đoàn cưỡng chế tới, khoảng 10 người thuộc ba hộ trên đã tập trung phản đối quyết liệt. Họ dùng loa cầm tay la hét, kích động, dùng điện thoại quay phim và chuẩn bị acid, dao, kéo để chống trả lực lượng chức năng.
Đến 9 giờ, khi một số cán bộ vào nhà vận động, những người này không hợp tác và dùng hung khí tấn công làm nhiều cán bộ bị thương. Nặng nhất là Trung tá Nguyễn Văn Thủy, Trưởng Công an xã Thạnh An, bị bỏng acid phần lưng, phải vào BV Đa khoa Long An cấp cứu rồi chuyển đến BV Chợ Rẫy.
Hiện trường nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: H.NAM
Ngăn chặn kịp thời âm mưu gây cháy nổ
Pháp Luật TP.HCM đặt câu hỏi: Có hay không sự chủ quan trong quá trình vận động, cưỡng chế dẫn đến việc một số cán bộ bị thương? Ông Tạo trả lời: “Bản thân tôi có hơi chủ quan, không nghĩ dân mình lại phản ứng dữ vậy. Tuy nhiên, tôi khẳng định huyện không chủ quan khi xây dựng kế hoạch, quy trình cưỡng chế, cũng không có chuyện cán bộ xô xát với dân”.
Theo ông Tạo, trước khi tiến hành cưỡng chế, huyện đã biết trước những người chống đối chuẩn bị bao nhiêu lít xăng, bao nhiêu dao, kéo. “Hôm đó huyện cũng đã điều xe cứu hỏa đến hiện trường. Nếu chủ quan thì việc họ dùng 60 lít xăng đổ đầy lu nước, bỏ hai bình khí nén mỗi bình 12 kg vào rồi đốt cho nổ có thể khiến toàn bộ khu chợ gần đó cháy rụi. Tuy nhiên, chúng tôi đã ngăn chặn kịp thời” - ông Tạo nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tạo, trong số 14 người tham gia vụ gây rối nói trên có bảy người sau đó được cơ quan công an nhắc nhở, cho làm cam kết rồi được ra về. Riêng bảy người còn lại đã đủ yếu tố cấu thành tội chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng nên bị tạm giữ hình sự để điều tra.
Được biết sau khi công an tạm giữ những người chống đối, trong ngày 14-4 đoàn cưỡng chế đã thực hiện xong công việc. Hiện sức khỏe của ông Thủy cũng đã ổn định.