Tăng chi quốc phòng kỷ lục, Nhật sắm vũ khí gì chống TQ, Triều Tiên?

Nhật sắm mua vũ khí gì chống Trung Quốc, Triều Tiên?

Theo RT, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã đề xuất tăng khoản chi tiêu quân sự thêm 3,5% lên mức 5,05 ngàn tỷ Yên (48,7 tỷ USD) trong năm tài khóa bắt đầu từ tháng 4/2015. Khoản chi này đã bao gồm chương trình tái cơ cấu các lực lượng quân sự Mỹ đóng quân tại Nhật Bản. 

Thủ tướng Shinzo Abe hiện đang chú trọng tới công tác bảo vệ nền an ninh quốc gia cũng như xóa bỏ lệnh cấm binh sĩ Nhật ra nước ngoài tham chiếm và hủy bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí. 

Tăng chi quốc phòng kỷ lục, Nhật sắm vũ khí gì chống TQ, Triều Tiên? ảnh 2
Cuộc diễn tập của Lực Lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản gần núi Phú Sĩ hôm 19/8.

Quyết định tăng khoản chi ngân sách quốc phòng của Nhật Bản được công bố trong bối cảnh Tokyo quan ngại về việc Trung Quốc tăng cường đầu tư tăng sức mạnh quân sự. Bắc Kinh đã soái ngôi vị nền kinh tế lớn thứ hai thế giới của Tokyo. Ngoài ra, mức chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đã tăng lên gấp 4 lần so với 10 năm trước lên mức 808 ngàn tỷ Nhân dân tệ (132 tỷ USD). 

Không chỉ đề phòng mối đe dọa từ Trung Quốc, Nhật Bản cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức từ Triều Tiên. Bởi phần lớn các hòn đảo của Nhật Bản đều nằm trong tầm bắn của tên lửa Rodong của Bình Nhưỡng. 

Hồi năm ngoái, Sách Trắng của Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã nhấn mạnh rằng hoạt động quân sự được chính quyền bí ẩn tại Bình Nhưỡng điều hành, đang trở thành mối đe dọa lớn với không chỉ Nhật Bản mà cả thế giới. 

Phát biểu trong cuộc họp bàn về chương trình tăng ngân sách chi tiêu quân sự, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết mục đích của chương trình này là “đảm bảo an ninh không phận và hải phận xung quanh Nhật Bản, tăng khả năng phòng thủ và phản ứng trước các cuộc tấn công vào những hòn đảo xa xôi cũng như xử lý các thảm họa lớn”. 

Tăng ngân sách để sắm vũ khí hiện đại

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết cơ quan này muốn mua 6 chiến đấu cơ tàng hình F-35 từ Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ mặc dù trong quá trình thử nghiệm, loại máy bay này đang vấp phải hàng loạt sự cố kỹ thuật và giá bán khá cao. 

Chính phủ Nhật Bản cũng đưa ra kế hoạch trang bị 20 máy bay tuần tra P-1 do Tập đoàn Công nghiệp nặng Kawasaki sản xuất. Ngoài ra, Tokyo sẽ mua thêm máy bay trinh sát và máy bay vận tải cánh quạt nghiêng V-22 Osprey của Mỹ. 

Tăng chi quốc phòng kỷ lục, Nhật sắm vũ khí gì chống TQ, Triều Tiên? ảnh 3
Tiêm kích F-35 của Mỹ.
Thậm chí, Bộ Quốc phòng Nhật Bản còn đề nghị chi 64,4 tỷ Yên (619 triệu USD) để nâng cấp các tàu ngầm lớp Soryu nhằm tăng thời gian hoạt động dưới nước lên 2 tuần. 

Trong khi đó, Hải quân Nhật Bản muốn tàu khu trục thứ bảy được trang bị hệ thống tên lửa đạn đạo Aegis để tăng sức mạnh phòng thủ trước mọi cuộc tấn công từ tên lửa Triều Tiên. 

Bộ Quốc phòng Nhật Bản còn xem xét kế hoạch chi 5 triệu Yên (480.000 USD) để thiết kế một tàu tấn công đổ bộ thế hệ mới đảm nhận sứ mệnh bảo vệ các hòn đảo xa xôi và chi thêm 17 triệu USD để đóng thêm 2 tàu tấn công đổ bộ làm trung tâm thông tin và điều hành. 

Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cũng đề nghị tăng gấp đôi khoản ngân sách thường niên hiện nay 50,4 tỷ Yên (485 triệu USD) để mua thêm các tàu tuần tra và tuyển thêm quân nhân. 

Ngoài ra, một khoản chi 19 tỷ Yên (182 triệu USD) đang được đề xuất để mua 2 chuyên cơ Boeing-777-300 ER thường trực tại tư dinh của Thủ tướng Abe và hoàng tộc. 

Mức chi tiêu quân sự tăng kỷ lục được công bố trong bối cảnh quan hệ Nhật - Trung không ngừng gia tăng căng thẳng do tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Việc các máy bay quân sự và tàu tuần tra hải quân của hai nước nhiều lần đối đầu tại khu vực này đã khiến giới chuyên gia lo ngại về nguy cơ bùng nổ một cuộc xung đột trong thực tế.  

Nội dung được thực hiện qua tham khảo hãng tin Russia Today (RT). RT hiện có khoảng 1.000 chuyên gia truyền thông trên toàn thế giới. RT chuyên nắm bắt những câu chuyện và vấn đề thường bị các phương tiện truyền thông bỏ qua để tạo ra những tin tức ở một khía cạnh rất khác biệt.

Theo MINH THU/Infonet

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm