Tàu Chandrayaan-3 của Ấn Độ phát hiện nhiều nguyên tố hóa học trên mặt trăng

(PLO)- Tàu thăm dò Chandrayaan-3 của Ấn Độ phát hiện nhiều nguyên tố hóa học gần cực nam của mặt trăng, bằng thiết bị quang phổ cảm ứng bằng laser.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tàu thăm dò Chandrayaan-3 của Ấn Độ đã phát hiện một số nguyên tố hóa học gần cực nam của mặt trăng, tờ The Times of India dẫn thông báo từ Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) hôm 29-8.

ISRO cho biết thiết bị quang phổ cảm ứng bằng laser của tàu thăm dò đã phát hiện lưu huỳnh (S), nhôm (Al), sắt (Fe), canxi (Ca), crom (Cr), titanium (Ti), mangan (Mn), oxy (O) và silicon (Si) trên bề mặt mặt trăng.

Tàu thăm dò của Ấn Độ đang thực hiện sứ mệnh tới cực nam mặt trăng. Ảnh: AFP

Tàu thăm dò của Ấn Độ đang thực hiện sứ mệnh tới cực nam mặt trăng. Ảnh: AFP

Tàu thăm dò Chandrayaan-3 cũng đang tìm kiếm các dấu hiệu của nước đóng băng. Nếu tìm được, nước đóng băng có thể sẽ là nguồn nước uống hoặc làm nhiên liệu tên lửa để hỗ trợ các phi hành gia trong tương lai, theo hãng tin AP.

Theo chủ tịch ISRO - ông S. Somnath, tàu thăm dò Chandrayaan-3 cũng sẽ nghiên cứu bầu khí quyển và hoạt động địa chấn của mặt trăng.

Ngày 28-8, lộ trình của tàu thăm dò Chandrayaan-3 đã được thay đổi khi nó đến gần một miệng núi lửa rộng 4 m. Ngoài ra, tàu cũng di chuyển với tốc độ chậm khoảng 10 cm mỗi giây để giảm thiểu va đập và hư hỏng do địa hình gồ ghề của mặt trăng.

Theo ước tính, chi phí nhiệm vụ lần này là khoảng 75 triệu USD. Thông qua việc tàu Chandrayaan-3 thành công đáp xuống mặt trăng, Ấn Độ đã thể hiện được vị thế là một cường quốc về công nghệ và vũ trụ của mình.

Sau nỗ lực lên mặt trăng thất bại vào năm 2019, Ấn Độ trở thành quốc gia thứ tư đặt có tàu thăm dò đáp thành công xuống mặt trăng sau Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Ấn Độ hiện đang lên kế hoạch đến Trạm vũ trụ quốc tế vào năm tới với sự hợp tác của Mỹ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm