Theo các nguồn tin này, ba tàu này có kế hoạch sẽ tập trận và huấn luyện trên biển Đông trong vài ngày tới. Đài truyền hình ABS-CBN (Philippines) cho biết khu vực tập trận nằm gần Philippines.
Trong khi đó, trong cuộc họp báo hôm 31-1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố Trung Quốc phản đối Philippines đưa vấn đề tranh chấp biển Đông lên tòa án trọng tài được thành lập theo Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS).
Người phát ngôn nói hành động của Philippines đi ngược với Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Người phát ngôn khăng khăng cho rằng quan điểm của Trung Quốc là giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương.
Một ngày sau khi Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario thông báo kiện Trung Quốc (ngày 23-1), Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đề nghị Philippines không có hành động làm phức tạp tình hình. Tuy nhiên, tuyên bố ngày 31-1 được xem là phản ứng chính thức của Trung Quốc trong sự kiện Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án trọng tài.
Trong tuyên bố này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc không đề cập trực tiếp đến lý do vì sao Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại phản ứng chậm trễ như thế. Tân Hoa xã cho rằng tuyên bố ngày 31-1 có thể liên quan đến sự kiện Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Ed Royce gặp các quan chức Philippines hôm 29-1 và đề nghị Trung Quốc hợp tác với vụ kiện của Philippines để tránh bất ổn trong khu vực.
Trả lời phỏng vấn hãng tin BBC (Anh) sáng 1-2 về biển Đông, Ngoại trưởng Singapore K Shanmugam nhận định vấn đề tranh chấp biển Đông sẽ phải cần một thời gian rất dài để giải quyết, hiện tại là các nước cư xử thế nào để tranh chấp không leo thang thành xung đột.
Ông cho rằng cần thiết phải thông qua Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) càng sớm càng tốt. Và vì sự tương tác lẫn nhau trong ASEAN, tất cả các nước trong khối cần tuân thủ COC.
Trong ngày 1-2, Đô đốc Samuel Locklear, tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của hải quân Mỹ, nói Mỹ không có ý định thành lập thêm căn cứ ở châu Á. Hãng tin Channel News Asia (Singapore) đưa tin ông nhấn mạnh điểm mấu chốt của kế hoạch chuyển trọng tâm về châu Á-Thái Bình Dương là hiện đại hóa và củng cố quan hệ với năm nước đồng minh ở châu Á-Thái Bình Dương.
ĐĂNG KHOA - LÊ LINH