Theo hãng tin AP, chi tiết về vụ việc vẫn chưa rõ ràng, nhưng nó đã gây ra rủi ro cho các công ty vận chuyển. Đây được xem là một khu vực quan trọng cho việc cung cấp năng lượng toàn cầu trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran về vấn đề hạt nhân.
Vị trí hình tròn là nơi các tàu chở dầu được báo cáo là bị tấn công. Ảnh: AP
Trước đó, Mỹ đã đưa ra một cảnh báo mới cho các thủy thủ khi các đồng minh xung quanh UAE lên án việc bốn tàu ngoài khơi thành phố cảnh Fujairah là mục tiêu tấn công, theo AP.
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid al-Falih cho biết các vụ tấn công vào hai tàu chở dầu xảy ra vào lúc 6 giờ sáng ngày 13-5. “Cuộc tấn công đã không dẫn đến bất kỳ thương vong hay sự cố tràn dầu nào nhưng nó đã ảnh hưởng đến an toàn trong việc vận chuyển, cung cấp dầu trên toàn thế giới”, ông nói.
Ngay sau đó, Bộ Năng lượng Mỹ cho biết họ đang giám sát thị trường dầu mỏ và tin chắc rằng nguồn cung vẫn đảm bảo.
Ông al-Falih cho biết hai tàu chở dầu của nước này, bao gồm một tàu chở dầu thô đến Mỹ đã bị phá hoại nghiêm trọng. Tuy nhiên, quy mô của vụ tấn công vẫn chưa rõ ràng.
Chủ sở hữu Thome Ship Management cho biết tàu MT Andrea Victory gắn cờ Na Uy được cho là mục tiêu tấn công, xuất hiện một lỗ hổng trên thân do “một vật thể lạ” gây ra.
Tàu chở dầu có gắn cờ Na Uy MT Andrea Victory ngoài khơi Fujairah bị tấn công. Ảnh: AP
Cận cảnh lỗ hổng bị tấn công trên thân tàu MT Andrea Victory. Ảnh: REUTERS
Các quan chức của Dubai đã xác định tàu chở dầu Amjad của Saudi Arabia. Dữ liệu theo dõi tàu cho thấy tàu vẫn neo đậu ngoài khơi Fujairah, dường như không bị tấn công ngay lập tức.
Một tàu chở dầu Al Marzoqah của Ả rập Xê út. Ảnh: AP
Theo AP, các nhà điều tra hải quân Mỹ đang hỗ trợ UAE làm rõ vụ việc, nhưng vẫn chưa cung cấp thông tin.
Vụ việc dấy lên hàng loạt câu hỏi về an ninh hàng hải ở UAE, nơi có cảng nước sâu nhân tạo lớn nhất thế giới Dubai Jebel Ali và cũng là bến cảng bận rộn nhất Hải quân Mỹ bên ngoài nước Mỹ.
Thành phố cảng Fujairah cách phía nam của eo biển Hormuz của Vịnh Ba Tư 140 km (85 dặm). Một phần ba lượng dầu thô được giao dịch qua eo biển này.
Eo biển Hormuz, một tuyến đường vận chuyển dầu lớn của thế giới. Ảnh: AP
Vụ tấn công tàu xảy ra sau khi Cục Hàng hải Mỹ đưa ra cảnh báo rằng Iran có thể nhắm mục tiêu giao thông đường biển thương mại.
Phía Bộ Ngoại giao Iran đã kêu gọi cần làm rõ thêm về những gì xảy ra với các tàu. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi nói với truyền thông: “Iran sẽ chống lại bất kỳ âm mưu dàn xếp từ những kẻ xấu hoặc người nước ngoài để phá hoại sự ổn định và an ninh của khu vực hàng hải. Cả UAE và Ả rập Xê út đều là những đối thủ trung thành của chính phủ Iran”.
Về phần mình, Tổng thống Trump nhấn mạnh: “Nếu có việc gì xảy ra, đó sẽ là một vấn đề xấu với Iran”.