Tê liệt, du lịch vẫn phải gánh hàng loạt chi phí

Ngày 15-6, bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM kí công văn gửi NHNN Việt Nam, Bộ VH-TT&DL, Tổng cục Du lịch, UBND TP.HCM... kiến nghị NHNN có chính sách mở rộng Thông tư số 03/2021 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) bị thiệt hại do COVID-19.

Theo Hiệp hội Du lịch TP.HCM, từ đầu năm 2020 đến nay dịch COVID-19 bùng phát khiến du lịch và hàng không là ngành chịu thiệt hại chưa từng có, mọi hoạt động gần như tê liệt.

Hầu hết DN đều ngưng hoạt động, không có doanh thu nhưng vẫn phải chịu áp lực lớn với hàng loạt chi phí như trả lãi vay, nợ, hoàn tiền cho khách hàng với các chi phí đã đặt trước…Bên cạnh đó là trả lương cho lao động mặc dù đã cắt giảm và cơ cấu lại nhân sự.

Do ảnh hưởng COVID-19 nhiều doah nghiệp du lịch đã tạm dừng hoạt động. Ảnh: Sơn Lâm

Trước đó, NHNN Việt Nam đã ban hành thông tư 01/2020 quy định về cơ cấu lại thời hạn trả, miễn, giảm lãi, phí, qua đó đã hỗ trợ DN có khả năng trả nợ tốt hơn, trả nợ đúng hạn. Tuy nhiên nhiều DN thuộc lĩnh vực du lịch, vận tải du lịch vẫn chưa thể thực hiện vì chưa hồi phục lại hoạt động.

Tiếp đến tháng 4-2021, NHNN ban hành thông tư 03/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư 01 cơ cấu lại thời hạn, trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng COVID-19.

Sau khi thông tư ban hành, dịch COVID-19 lại bùng phát lần thứ tư với diễn biến càng phức tạp và nghiêm trọng hơn rất nhiều so với năm 2020. Ngành du lịch vốn lao đao, chưa thể hồi phục nay bị tê liệt hoàn toàn. 

Một số DN đã phá sản, nhiều DN có nguy cơ không thể trả được nợ, lãi vay cùng với việc chưa xác định được thời gian đón khách quốc tế vào nên khó khăn sẽ còn kéo dài. Vì vậy, dù cơ cấu thời hạn trả nợ thêm 12 tháng theo thông tư 03, DN du lịch vẫn vô cùng khó khăn trong thanh toán các khoản nợ. 

Do vậy, Hiệp hội Du lịch TP kiến nghị NHNN Việt Nam, Bộ VH-TT&DL và các đơn vị liên quan nghiên cứu, sớm có chính sách đặc thù về thời hạn trả nợ, lãi vay cho lĩnh vực du lịch.

Cụ thể là giảm mức lãi suất vay đang áp dụng; không áp dụng chuyển nhóm nợ; ân hạn gốc và lãi toàn bộ dư nợ hiện hữu. Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) là 24 tháng, kể từ ngày thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ... 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm