Nhiều công ty có hàng đã đóng container ở cảng hoặc trước đó đã làm dở dang thủ tục hải quan nhưng do đụng “lệnh tạm ngưng xuất khẩu từ 24-3” và không nắm bắt kịp thông tin “giờ G” mở tờ khai hải quan xuất khẩu gạo đành chịu trận, ấm ức và khóc ròng.
Bởi không đăng ký được hạn ngạch xuất đi tháng 4-2020, đồng nghĩa việc gạo tiếp tục phải nằm chờ ở cảng hoặc dưới tàu. Dĩ nhiên DN phải chịu chi phí lưu kho bãi, có khi không loại trừ bán được gạo thì trả tiền tàu cũng không đủ như lời một lãnh đạo Sở Công Thương ở miền Tây đã chia sẻ.
Không đăng ký kịp, không dò được hoặc không nắm bắt được “giờ G” mở tờ khai hải quan, DN bức xúc và trách hải quan chơi cửa khó khi cho mở hệ thống vào giờ ngặt.
Trên báo chí, Tổng cục Hải quan lý giải rằng hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan (VNACCS/VCIS) hoạt động theo nguyên tắc xử lý tự động. Để thực hiện quyết định của Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan cần có thời gian để thiết lập các chỉ tiêu thông tin trên hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.
Kể từ 0 giờ 12-4, hệ thống đã được thiết lập để hoạt động tự động theo nguyên tắc tự động tiếp nhận; tự động trừ lùi số lượng gạo xuất khẩu trong hạn ngạch được phép xuất khẩu theo nguyên tắc: tờ khai đăng ký trước sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu trước.
Ngay sau khi người khai hải quan gửi thông tin tờ khai hải quan đến hệ thống, không có sự can thiệp của công chức hải quan. Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan tự động dừng tiếp nhận thông tin đăng ký tờ khai hải quan nếu số lượng đăng ký chạm mốc hạn ngạch được phép xuất khẩu trong tháng 4 (là 400.000 tấn).
Lý giải trên của Tổng cục Hải quan không sai. Bởi đây là hệ thống xử lý tự động, có lệnh mở thì mở và số lượng đủ đóng. Máy móc vô tình không trách nhưng cú “mở cửa lúc 0 giờ ngày 12-4” khiến hàng loạt DN té ngửa.
Đa phần chẳng DN nào ngờ giờ ấy để canh chừng để làm thủ tục, thế nhưng giờ ấy hệ thống chính thức mở và hàng loạt DN “knock out”. Họ cũng cho hay không hề được thông báo trước sẽ mở tờ khai hải quan vào giờ trên... Qua đó cho thấy giữa cơ quan quản lý mà ở đây là Tổng cục Hải quan và DN xuất khẩu gạo chưa chung nhịp.
Trong bối cảnh khó khăn hiện nay của cộng đồng DN giữa đại dịch COVID-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như các bộ ngành, địa phương đã và đang có nhiều quyết sách hòng tạo điều kiện, hỗ trợ DN trụ vững và cùng vượt khó, trong đó có những DN chế biến xuất khẩu gạo.
Nhưng cú “mở cửa lúc 0 giờ” ngày 12-4, chắc chắn sẽ là bài học kinh nghiệm để trong điều hành xuất khẩu gạo tháng 5-2020 và thời gian tới được tốt hơn. Như kiến nghị của chuyên gia kinh tế ĐBSCL Trần Hữu Hiệp là cần xem xét dựa trên năng lực của các DN xuất khẩu gạo trong sáu tháng hoặc một năm qua dựa trên cơ sở các hợp đồng đã ký để thấy được năng lực thật sự. Từ đó, phân bổ dựa trên tỉ lệ năng lực này chứ không phải phó thác cho việc hên xui, giành trước thì được như vừa qua.
Quan trọng hơn là lượng gạo còn tồn đọng rất nhiều, trong khi chỉ cho phép xuất khẩu 400.000 tấn trong tháng 4 là quá ít. Theo tính toán của một chuyên gia uy tín, sau khi dự trữ đủ 1,5 triệu tấn gạo như kế hoạch của Chính phủ, hiện vẫn còn dư tới hơn 3 triệu tấn gạo. Số gạo này nên cho phép xuất khẩu trở lại bình thường vì đây là thời điểm gạo xuất khẩu bán được giá cao, khách hàng mua nhiều. Nếu Việt Nam chậm chân thì khách sẽ mua gạo Thái Lan và các nước khác, khi đó nước ta dư gạo tồn kho, bán rẻ cũng không ai mua.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang khóc ròng vì không xuất khẩu được gạo theo hợp đồng đã ký. Ảnh minh họa: GIA TUỆ
Ngày 15-4, Hiệp hội Lương thực Việt Nam có báo cáo nhanh về tình hình khai báo hải quan của các hội viên. Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết ngoài việc nhiều thương nhân không nhận được thông tin chính thức nào từ phía cơ quan có trách nhiệm về thời gian mở hệ thống đăng ký tờ khai, họ còn gặp nhiều vấn đề bất cập khác mà chưa giải thích được. Đó là các tờ khai đăng ký hải quan kể từ thời điểm 0 giờ ngày 11-4, đã có số tờ khai và đã phân vào luồng đỏ; tuy nhiên đến ngày 13-4, sau khi tái kiểm tra trên hệ thống hải quan cập nhật, lại thấy ngày đăng ký của các tờ khai này tự động bị lùi về thời điểm 10-4. Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã ghi nhận ít nhất có ba thương nhân như vậy. Hiện các thương nhân vẫn chưa tìm được câu trả lời cho tình huống này. Thậm chí, có cả trường hợp các tờ khai hải quan đã có số tờ khai nhưng chưa phân luồng, đã được ghi nhận trước đó, đến thời điểm sáng 14-4 lại bị mạng hải quan xóa bỏ khi chưa đủ 15 ngày theo quy định. Đặc biệt, theo phản ánh bằng văn bản chính thức của một số thương nhân, có ghi nhận tình trạng “trong các thương nhân truyền được tờ khai rạng sáng 12-4, có không ít thương nhân chưa tập kết hàng ở cảng thời điểm đó hoặc tập kết chưa đủ mà chỉ truyền tờ khai để giữ chỗ. Trong khi đó, có rất nhiều thương nhân đã tập kết hàng hóa sẵn sàng (nghĩa là đảm bảo đầy đủ điều kiện để đăng ký tờ khai chờ thông quan) vẫn chưa truyền được tờ khai hải quan. Thực trạng này khiến các thương nhân bị thiệt hại rất nặng nề khi phải gánh chịu các chi phí phát sinh tại cảng như đã đề cập bên trên. Hiệp hội Lương thực Việt Nam kiến nghị hủy toàn bộ tờ khai đã được truyền của doanh nghiệp tại hệ thống nếu phát hiện tình trạng không có tàu tại phao, khai khống số lượng, không xuất trình được hàng hóa khi kiểm hóa của các thương nhân... |