Chiều 15-4, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn đã lên tiếng về việc các doanh nghiệp (DN) cho rằng Tổng cục Hải quan cho mở tờ khai xuất khẩu 400.000 tấn gạo từ 0 giờ ngày 12-4 là thiếu công bằng, minh bạch.
Phải dừng hết các tờ khai
ĐBQH Nguyễn Bá Sơn cho rằng theo quan điểm của cá nhân tôi, hành động đúng đắn nhất lúc này mà Tổng cục Hải quan cần làm đó là dừng hết tất cả tờ khai hải quan đã được kê khai và cấp hạn ngạch lúc 0 giờ ngày 12-4 vừa qua.
Đồng thời, tiến hành rà soát, giải quyết ngay cho phép các DN đã có hàng và tập kết gạo tại cảng để đảm bảo tính minh bạch, công khai, công bằng giữa các DN, hạn chế thiệt hại cho các DN và đảm bảo hoạt động bình thường của hoạt động này.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn. Ảnh: TẤN VIỆT
“Dư luận xã hội đang đặt câu hỏi có hay không điều gì khuất tất, mờ ám, lợi ích nhóm trong việc mở tờ khai cấp hạn ngạch xuất khẩu gạo vừa qua. Có thể Tổng cục Hải quan sẽ có cách giải thích của họ. Nhưng nghi ngờ là quyền của dư luận xã hội và niềm tin của nhân dân, của DN vào sự điều hành của cơ quan này bị giảm sút nặng nề là điều không thể tránh khỏi. Cá nhân tôi cảm thấy thất vọng về cách giải thích vừa rồi của lãnh đạo cơ quan này” - ĐB Sơn nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nguyễn Bá Sơn thì đang có những thông tin trên báo chí là trong số những DN thực hiện lập "tờ khai hải quan 0 giờ" nói trên có cả DN đang thực hiện hợp đồng cung cấp gạo cho Tổng cục Dự trữ nhà nước. Nhưng vì chạy theo lợi nhuận nên bỏ hợp đồng chạy theo xuất khẩu. Họ đã chuyển số gạo mua được mà lẽ ra phải thực hiện hợp đồng với Nhà nước sang xuất khẩu.
“Nếu thông tin trên là có thật thì cơ quan chức năng cần điều tra làm rõ. Đây là hành vi vi phạm pháp luật có yếu tố lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi, cần phải xử lý thật nghiêm khắc” - ĐB Nguyễn Bá Sơn cho hay.
Tin Chính phủ sẽ cho xuất khẩu lại bình thường
Nói thêm về việc Thủ tướng Chính phủ mới cho phép xuất khẩu 400.000 tấn gạo đợt này, ĐB Sơn cho biết qua thông tin từ báo chí (cả báo hình, báo giấy và báo mạng) thời gian qua, ông thấy có nhiều ý kiến khác nhau.
Có ý kiến cho rằng ngưng xuất khẩu gạo để đảm bảo lương thực trong nước kẻo dịch bệnh kéo dài, có thể dẫn đến khó khăn về lương thực. Cũng có ý kiến rằng gạo đang được mùa và nông dân ta đang gần đến vụ gối đầu tiếp theo. Lúa gạo đang được mùa nhưng nông dân đói không bán được lúa.
Trong khi đó, giá gạo của Việt Nam trên thị trường đang được giá và một điều nữa cũng không kém phần quan trọng là để đảm bảo các đơn hàng đã ký được thực hiện, giữ thị trường và bạn hàng truyền thống...
"Theo tôi, từ mỗi cách tiếp cận, các ý kiến trên đều có lý do. Tuy nhiên, cũng từ những tranh cãi đó, qua cách điều hành xuất khẩu gạo vừa qua của Chính phủ, tôi nhận thấy việc xuất khẩu gạo được xử lý trên những yếu tố căn bản là xác định nguồn dự trữ và đảm bảo dự trữ (như một số ý kiến nêu trên); tiếp đến là cân đối nguồn cung cấp nội địa, đảm bảo nguồn lương thực ổn định cho đến khi thu hoạch vụ mùa kế tiếp có tính đến yếu tố rủi ro do dịch bệnh đang hoành hành. Và cuối cùng là số lượng duy trì cho hoạt động xuất khẩu.
Như vậy, việc Thủ tướng Chính phủ cho phép xuất khẩu 400.000 tấn gạo đợt này, không có nghĩa là Việt Nam sẽ chỉ xuất khẩu số lượng chừng đó.
Sau khi đảm bảo chắc chắn các yếu tố nói trên, tôi tin là Chính phủ sẽ cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo trở lại bình thường. Các yếu tố có lợi khác đã có nhiều phân tích của các chuyên gia, tôi hoàn toàn đồng tình và xin phép không đề cập trở lại” - ĐB Sơn nói.
(PLO)- Một số doanh nghiệp phản ánh sau khi tái kiểm tra trên hệ thống hải quan cập nhật, lại thấy ngày đăng ký của các tờ khai này tự động bị lùi thời điểm.