Kêu cứu Thủ tướng Chính phủ vụ đăng ký xuất gạo lúc... 0 giờ

Bức xúc trước tình trạng trên, một số doanh nghiệp (DN) có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành. Một số Sở Công Thương tỉnh, TP ở ĐBSCL cũng kiến nghị cần có sự minh bạch trong thời gian bắt đầu mở cửa hệ thống thông quan hàng hóa tự động để tạo sự bình đẳng cho DN.

Trong đơn gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan như Bộ Công Thương, Tài chính, NN&PTNT, một DN ở Long An kiến nghị cho phép xuất khẩu nếp và tấm nếp bình thường, không nằm trong hạn ngạch 400.000 tấn trong tháng 4-2020. DN này cho biết hiện đã đóng 500 container (tương đương 12.500 tấn nếp và tấm nếp) đã lưu container từ ngày 20-3 nhưng chưa kịp xuất khẩu do đặc thù hàng đi Trung Quốc phải khử trùng container tại kho năm ngày.

DN cũng cho rằng đối với việc dừng xuất khẩu gạo từ ngày 24-3 đến nay đã thiệt hại rất lớn cho DN và có nguy cơ đi đến phá sản. Lý do phải chịu chi phí lưu container trong một thời gian dài, tiền lại suất ngân hàng, tiền vốn đã mua nguyên liệu tồn kho… Trong khi nhà máy phải dừng hoạt động tất cả vì lý do mặt hàng chủ lực của công ty là nếp và tấm nếp tiêu thụ trong nước rất hạn chế.

Mặt hàng gạo nếp và tấm nếp có tính chất đặc thù, không ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia và việc thực hiện kế hoạch mua gạo dự trữ quốc gia. Nếu tận dụng cơ hội giá đang cao xuất khẩu sẽ mang lại lợi ích kinh tế lớn cho cả người trồng và DN.

Còn tại An Giang, theo Sở Công Thương tỉnh này, phần lớn DN trên địa bàn cũng không thể thực hiện đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu gạo để tham gia vào sản lượng 400.000 tấn.

Cũng theo Sở Công Thương tỉnh An Giang, sau khi trừ sản lượng đã đăng ký tờ khai xuất khẩu ngày 12-4, thì sản lượng gạo, nếp có hợp đồng giao hàng trong quý II-2020 của các DN trên địa bàn An Giang nhưng chưa được xuất khẩu khoảng 87.294 tấn.

Trước tình hình trên, Sở Công Thương An Giang đã đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép 78.737 tấn gạo nếp của các DN xuất khẩu gạo của tỉnh có hợp đồng xuất khẩu đến tháng 5-2020 được tham gia vào tổng sản lượng gạo được xuất khẩu trong tháng 5-2020 của cả nước.

“Mục đích nhằm hỗ trợ tiêu thụ lúa, nếp cho nông dân và DN, góp phần ổn định đời sống của người dân, giúp DN vượt qua khó khăn như hiện nay; giúp tiếp tục duy trì các chuỗi liên kết tiêu thụ lúa, nếp giữa nông dân và DN” - Sở Công Thương An Giang kiến nghị.

Phía An Giang đề nghị sắp tới, Tổng cục Hải quan sau khi tiếp nhận thông tin quyết định công bố hạn ngạch xuất khẩu đối với mặt hàng gạo tháng 5-2020 từ Bộ Công Thương thì cần kịp thời có văn bản thông tin đến Cục Hải quan các địa phương; thông tin đến các DN xuất khẩu gạo và trên tất cả phương tiện thông tin đại chúng thời gian mở cửa hệ thống thông quan hàng hóa tự động để tất cả DN kinh doanh xuất khẩu gạo đều có cơ hội thực hiện đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu gạo, đều có cơ hội tham gia vào hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 5-2020 của cả nước.

Vụ đông xuân năm nay miền Tây trúng mùa, lúa gạo còn tồn rất nhiều. Ảnh: GIA TUỆ 

Một lãnh đạo Chi cục Hải quan tại TP.HCM cho hay DN chỉ cần ngồi ở nhà và đăng ký kê khai trên hệ thống tờ khai điện tử của Tổng cục Hải quan. Sau đó, Tổng cục Hải quan sẽ gửi thông tin tờ khai về cho các cảng. Tuy nhiên, cũng cần phải rà soát lại các tờ khai, vì sẽ có trường hợp một người vào đăng ký nhưng lại đăng ký vài chục, có khi cả trăm tờ khai thì cần phải xem xét.

Toàn bộ các tờ khai hải quan xuất khẩu hơn 170.000 tấn gạo của 29 DN tại TP.HCM đều thuộc luồng đỏ, họ chỉ mới đăng ký số lượng xuất chứ chưa đăng ký rõ số container, tên tàu, số chuyến…

Vì vậy, phía Chi cục Hải quan cũng đã có công văn chờ Tổng cục Hải quan hướng dẫn về các trường hợp tờ khai thuộc luồng đỏ này, kiểm tra thực tế hàng hóa. Trong trường hợp các DN này khai bổ sung thì xử lý ra sao, rồi những trường hợp tờ khai ghi số container A, đến lúc giao lại là container B, hay lúc khai ghi tàu C, lúc giao tàu D. Những trường hợp tờ khai mà không có hàng thật thì xử lý bỏ ra như thế nào để những DN có thể khai tờ khai tiếp.

"Nên chăng Bộ Công Thương cần đề xuất cho phép những DN đã có hợp đồng từ trước thì được xuất khẩu trước, những trường hợp ký hợp đồng sau thì xuất sau thì hợp lý hơn" - vị lãnh đạo Chi cục Hải quan tại TP.HCM nói.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng - Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cho biết hiện cơ quan hải quan, Bộ Tài chính đang thực hiện việc điều hành tờ khai hải quan cho việc đăng ký 400.000 tấn gạo xuất khẩu trong tháng 4-2020 theo quy định tại khoản 3 Văn bản 2827/VPCP-KTTH của Văn phòng Chính phủ.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng đã nhận được phản ánh của một số DN xuất khẩu gạo phản ánh về việc Tổng cục Hải quan cho khai hải quan nhưng nhiều DN không nắm được thông tin. Đến khi vào khai hải quan thì đã hết hạn ngạch, ảnh hưởng đến khả năng giao hàng theo hợp đồng của DN.

"Chúng tôi đang tổng hợp để gửi Bộ Tài chính xem xét, giải quyết theo thẩm quyền" - ông Toản nói.

Nhiều doanh nghiệp đề xuất nên tăng chỉ tiêu xuất khẩu gạo vì trong nước tiêu thụ không hết. Ảnh: GIA TUỆ

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group:

Có hàng thật cho xuất, không có hàng thì nên hủy tờ khai

Hiện tại có hơn 40 DN đã mở tờ khai hải quan xuất khẩu gạo với sản xuất đã đủ 400.000 tấn. Để mở được tờ khai, nhiều DN cả lãnh đạo lẫn nhân viên phải túc trực cả đêm để “chạy đua” đăng ký tờ khai.

Sau khi Bộ Công Thương chỉ đạo cho xuất khẩu trở lại thì Tổng cục Hải quan đã có thông báo từ 0 giờ ngày 11-4 (thứ Bảy) sẽ mở hệ thống nhận tờ khai hải quan điện tử. Nhưng Tổng cục Hải quan cũng làm trễ mất một ngày vì cần có thời gian để thiết lập các chỉ tiêu thông tin trên hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan. Đến 0 giờ ngày 12-4-2020 (Chủ nhật), hệ thống mới được thiết lập để hoạt động và nhận tờ khai hải quan điện tử.

Vì vậy, nhiều DN đã thức trắng đêm để canh, cứ vài phút là vào đăng ký ngay. Bản thân DN cũng may mắn đăng ký được nhưng hiện tại vẫn tồn kho gần 40.000 tấn gạo.

Vấn đề ở đây là ngay trong các DN hội viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam đăng ký có hợp đồng xuất khẩu sản lượng đã lên tới 1,3 triệu tấn gạo, tồn kho gần 3 triệu tấn. Vì thế, khi chỉ cho xuất khẩu 400.000 tấn trong tháng 4 thì chắc chắn sẽ tồn kho tới 900.000 tấn. Và mở tờ khai điện tử, ai nhanh tay thì được, khi đó chắc chắn sẽ có những DN “chậm chân”, không xuất khẩu được là chuyện hết sức bình thường. 

Chỉ khi nào cho xuất khẩu hết 1,3 triệu tấn gạo cũng có các DN khiếu nại vì năng lực bốc xếp xuất khẩu gạo của các cảng Việt Nam chỉ đến 600.000 tấn/tháng chứ không hơn.

Tuy nhiên, không phải đăng ký là được, đăng ký tờ khai xong là có thể xuất khẩu đi vì còn phải đảm bảo các điều kiện trong vòng 15 ngày DN đã có container để bốc hàng chưa, tàu vận chuyển lên đã có đủ sản lượng gạo đăng ký chưa. Nếu không có thì dù có đăng ký tờ khai thì hết hạn 15 ngày, DN đó cũng không được xuất khẩu.

Vì vậy, theo tôi, để minh bạch, rõ ràng, cơ quan hải quan cứ DN nào đăng ký tờ khai có số container, có tàu rõ ràng, có hàng thật thì cho thông quan, còn nếu không có thì coi như tờ khai đó bị xóa.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cần đề xuất điều chỉnh sản lượng gạo xuất khẩu phù hợp với năng lực bốc xếp gạo của các cảng trong một tháng vào khoảng 600.000 tấn. Vì vậy có thể bổ sung thêm 200.000 tấn gạo xuất khẩu trong tháng 4.

Ông Đinh Minh Tâm, Phó Giám đốc Công ty Gạo Cỏ May:

Cần rà soát các tờ khai

Đến sáng thứ Hai ngày 13-4, DN mới nhận được văn bản của Bộ Công Thương thông quan hiệp hội lương thực. Còn thực sự thông tin mở tờ khai bắt đầu từ 0 giờ chỉ biết qua các DN xuất khẩu khác, lại mở vào đêm khuya thì DN rất khó đăng ký. Hiện tại DN đã kẹt tới 10 container gạo xuất khẩu sang Singapore.

Theo tôi, đăng ký tờ khai qua hệ thống hải quan điện tử cũng chưa ổn, cơ quan quản lý cần xem xét thực tế xem DN nào có hợp đồng trước rồi thì cho họ đăng ký tờ khai xuất khẩu trước.

Cần phải rà soát lại các tờ khai, nếu tờ khai nào đăng ký mà có hợp đồng từ trước, đã có hàng thì mới cho xuất, còn kiểu đăng ký “xí phần” thì hủy, chuyển lại cho những DN đăng ký tờ khai sau. 

Thứ hai là phải thông báo công khai từ trước cho các DN chuẩn bị đăng ký tờ khai.

 QUANG HUY ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm