1. Vài năm gần đây, huyện Tây Giang (Quảng Nam) đã cắm thêm 39 bảng tên làng tại các xã vùng cao như xã Dang, Tr’hy, Axan, Ch’um, Gary... Tất cả 70 làng người dân tộc trong toàn huyện đều có tên viết bằng cả ba thứ tiếng (Anh, Việt và tiếng Cơtu).
Tên các làng xã được viết trên nền các hình vẽ cách điệu ngôi nhà Gươl truyền thống…khiến cho điểm đến Tây Giang cũng như những ngôi làng heo hút, thường bị cô lập, được nhiều du khách biết đến cùng với “danh sâm” Ba Kích nổi tiếng có giá trị bồi bổ sức khỏe sau khi ngâm rượu hoặc nấu nước uống đã được ngành y tế xác nhận.
Cách đó không xa, hai ngôi nhà Gươl nổi tiếng của làng Gừng và Bờ Hôn ở huyện Đông Giang cùng với tài năng các già làng- nghệ nhân Ating Veh, Briu Brăm (nay đã quá cố) cũng làm cho tên các ngôi làng ấy đọng lại cho bất cứ ai đến thăm…
Làng dân tộc thiểu số đang cố gắng phục hồi lại tên các làng cũ. Trong khi một nghiên cứu của Trung tâm Quốc gia Khoa học Pháp ( CRNS) về làng xã ở đồng bằng Bắc bộ lại cho biết việc thay đổi địa danh làng xã từ sau 1945 đến nay tăng lên đột biến nếu so với thời phong kiến. Mặc dù trước đó, từ thế kỷ 17, 19 các nhà nghiên cứu về làng xã như Phạm Đình Hổ và Lê Quý Đôn đã than phiền về tình trạng thay đổi này.
Thời phong kiến, tên làng xã có khi thay đổi do phạm húy, như làng Hoa Thử đổi thành Phong Thử, làng Kim Sa đổi thành Cẩm Sa, làng Kim Quất đổi thành Thanh Quýt...Trong một thời gian dài, nhiều làng khi ghép thành một xã mới đã biến thành thôn và đổi tên thành thôn 1, 2,3…! May thay, gần đây đã được chỉnh sửa lại.
Ở đồng bằng cũng vậy, sự thay đổi địa danh, địa vực do dân số tăng lên và yêu cầu quản lý, tuy chưa phổ biến nhưng là không tránh khỏi.
Làng Bến Đền ở Điện Bàn, Quảng Nam tách thành hai thôn lại là Bến Đền Tây, Bến Đền Đông và nhiều ví dụ khác, cho thấy đó là chọn lựa đúng.
Học giả Hoàng Xuân Hãn nhấn mạnh: "Nếu phải thay đổi, nên giữ lại ít nhất một từ tố của tên cũ khi đặt tên mới cũng là từ những suy nghĩ thấu đáo của ông về làng xã…"
2. Gần đây, việc điều chỉnh địa giới hành chính theo các qui định về diện tích và dân số đang gây ra dư luận bức xúc ở nhiều địa phương. Theo tôi nghĩ, thay đổi tên làng xã như vậy là do sự vội vàng, thiếu dân chủ và máy móc ở một số địa phương, nhất là việc ghép các làng xã và chọn tên mới…
Tại Quảng Nam, làng Vân Hà là một trong hai cái nôi của nghề mộc cách nay gần ba thế kỷ, được sắc phong từ đời Thành Thái nay đổi thành thôn Phú Văn đang gây ra dư luận không hay tại địa phương.
Làng Trừng Giang thuộc xã Điện Trung ( Điện Bàn), quê hương bên ngoại của Tiến sĩ Phạm Phú Thứ, một danh nho và là nhà cải cách lớn dưới triều Nguyễn, cũng dự kiến đổi thành Hà Giang, khiến nhiều người dân thắc mắc.
Làng Phú Lâm thuộc xã Tiên Sơn huyện (Tiên Phước) là một địa danh văn hóa lịch sử gắn liền với nhà Duy tân thực hành Lê Cơ với phong trào Duy Tân từ năm 1906 lan truyền ra khắp Quảng Nam và các tỉnh Trung kỳ, nay đang dự kiến ghép với xã Tiên Cẩm gần đó và lấy tên mới là Tiên Cẩm, hoàn toàn xóa đi truyền thống của Tiên Sơn, đang khiến nhiều bà con trong vùng phản ứng.
Có người quê Tiên Phước nói tại sao không đặt xã mới với tên cũ là làng Phú Lâm để ghi nhận lịch sử Duy Tân của địa phương và nguyện vọng của người dân mà lấy tên Tiên Cẩm, một địa danh chẳng có gì đáng quan tâm gần đó.
Ra tận huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, một bạn đọc vừa gởi cho người viết một văn bản, trong đó UBND huyện đề nghị ghép và đổi tên gần 10 xã. Trong đó hai xã Quỳnh Long và Quỳnh Thuận thành xã Thuận Long, hai xã Sơn Hải và Quỳnh Thọ thành xã Hải Thọ…
Mới đây nhất, ngày 25-3, UBND huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) có thông báo về việc thống nhất tên gọi mới một số đơn vị hành chính trực thuộc sau sáp nhập. Theo đó, hai xã Diên Đồng và Diên Xuân sau sáp nhập sẽ có tên mới là xã Đồng Xuân. Còn tên gọi thị trấn Diên Khánh khi trở thành phường sẽ thành phường Phú Thành. Đa phần người dân đều tỏ ra bất ngờ với việc đổi tên trên, trong đó không ít ý kiến cho rằng tên gọi Phú Thành nghe rất lạ và không có ý nghĩa đối với mảnh đất Diên Khánh lâu nay.
May mà sau đó, UBND huyện Diên Khánh đã có tờ trình gửi Ban chỉ đạo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh và UBND tỉnh Khánh Hòa về việc phê duyệt Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025, trong đó việc đổi tên thị trấn Diên Khánh không được đề cập.
"Tên các thôn, làng xã lạ lẫm như vậy vô tình cắt đứt mọi liên lạc giữa quá khứ với hiện tại và tương lai của một vùng đất, nơi chôn nhau cắt rốn và truyền thống, kỷ niệm của biết bao thế hệ!" - một bạn đọc tâm sự.
Ta yêu nước, yêu quê hương trước hết là yêu cái làng xã (với giếng nước, cây đa, mái đình, nhà thờ tộc họ...) mà mình đã gắn bó từ lúc sinh ra và lớn lên, là vì vậy! Nó gắn liền với tên của làng cũ bao đời.
“Cắt đi cái tên làng, thay đổi tên cũ thành tên mới và lạ hoắc, chẳng khác nào thay đổi tên họ trong cái giấy khai sinh mà ông bà, cha mẹ đã đặt cho mình từ nhỏ!” - một nhà giáo ở Điện Bàn, Quảng Nam đã nói.
3. Theo nhà nghiên cứu dân tộc học Nguyễn Tùng tại Trung tâm Quốc gia nghiên cứu khoa học Pháp, tác giả cuốn “Làng mạc ở châu thổ sông Hồng ( nxb Trí Thức, 2019), tên làng là một thành tố quan trọng của bản sắc văn hóa. Việc xóa bỏ, thay đổi vội vàng tên các làng cũ và thay vào đó là những con số (như thôn 1, thôn 2 chẳng hạn) sẽ làm nhạt phai lịch sử hoặc cắt đứt mối ràng buộc giữa các thế hệ cư dân tương lai và quá khứ; đồng thời làm cho những nỗ lực giáo dục truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương khó khăn hơn.
Làm việc nhiều năm ở Pháp, và có cả 10 năm về miền Bắc nghiên cứu văn hóa làng xã ở Việt Nam theo dạng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với người dân lẫn các nhà nghiên cứu trong nước, những ý kiến của ông Nguyễn Tùng về làng xã trên đây là rất tâm huyết hiện nay.