Chính phủ Trump đang có hai khủng hoảng chính sách đối ngoại lớn và đối xứng nhau: Nội chiến Syria và chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên. Với Mỹ, tham vọng hạt nhân Triều Tiên có nguy cơ gây xung đột khu vực, nội chiến Syria gây bất ổn Trung Đông và có lợi cho khủng bố. Mỗi khủng hoảng lại gắn liền với quan hệ của Mỹ với hai đối thủ địa-chính trị lớn: Nga và Trung Quốc.
Trước hết, nói về Syria sau vụ nã tên lửa của Mỹ. Theo AP, tên lửa Mỹ chẳng ảnh hưởng mấy đến năng lực quân sự của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Trong khi Mỹ khẳng định có tới 58/59 tên lửa Tomahawk trúng mục tiêu thì Nga nói số tên lửa trúng mục tiêu chỉ có 23.
Tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ đã làm hư hại rất nghiêm trọng căn cứ không quân Shayrat ở tỉnh Homs của Syria, một trong những căn cứ không quân chiến lược hàng đầu Syria tích cực sử dụng để không kích phe nổi dậy.
Thực tế, chỉ vài giờ sau khi Mỹ nã tên lửa vào căn cứ Shayrat, Syria vẫn tỉnh bơ triển khai máy bay chiến đấu không kích phe nổi dậy ở nhiều nơi, cả một địa phương gần thị trấn Khan Sheikhoun - nơi vừa xảy ra vụ đánh bom hóa học khiến Mỹ quyết định tấn công Syria.
Thượng tá Hassan Hamade, vốn là phi công quân đội Syria đào ngũ sang Jordan năm 2012, cho rằng vụ nã tên lửa của Mỹ dù làm suy yếu phần nào khả năng phòng không và tấn công của không quân Nga nhưng không ngăn được ông Assad thực hiện các vụ đánh bom hóa học tiếp theo.
Theo ông Hamade, dù căn cứ Shayrat có hư hại đến mức nào thì ông Assad cũng có các phương án khác. Có tới 25 căn cứ không quân ở Syria, trong đó chính phủ kiểm soát 20 cái. Shayrat là căn cứ hoạt động tích cực thứ hai, sau căn cứ Hemeimeem ở tỉnh Latakia đang do quân đội Nga sử dụng và điều hành. Ông Hamade dự đoán chính phủ Syria có thể sẽ tăng hoạt động của căn cứ tích cực thứ ba là Saqqal để bù vào sự suy yếu của căn cứ Shayrat.
Tổng thống Mỹ Trump (thứ ba từ trái sang) và các phó tướng trong cuộc đối thoại với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Mỹ ngày 7-4. Ảnh: AP
Hơn ai hết Mỹ biết rõ tấn công quân sự không phải là giải pháp tốt. Chẳng thế mà Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây minh định rằng vụ nã tên lửa này chỉ là phản ứng việc chính phủ Syria đánh bom hóa học người dân, chứ sẽ không đưa quân vào Syria như Mỹ làm với Iraq năm 2003.
Mỹ biết rõ hành động quân sự của Mỹ có rủi ro dẫn đến đối đầu giữa các cường quốc hạt nhân. Các nhân vật hàng đầu chính phủ Trump, đặc biệt Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster, hai tiếng nói quan trọng trong vụ Mỹ nã tên lửa Syria, biết rõ điều này. Chính thế mà Mỹ đã chủ ý báo trước với Nga vụ nã tên lửa để tránh thương vong cho Nga, chặn nguy cơ leo thang đối đầu. Hiện không ai trong chính phủ Trump công khai nói về tấn công quân sự quy mô lớn với Syria, dù phương án này có thể được Quốc hội duyệt.
Với Triều Tiên, tấn công quân sự cũng không phải là phương án tốt khi có rủi ro kích thích xung đột mà các bên đều muốn tránh, trong khi hoàn toàn có khả năng không diệt được chương trình hạt nhân nước này.
Sau vụ nã tên lửa, Nga đã điều tàu chiến đến tuần tra Địa Trung Hải, nơi hai tàu chiến USS Ross và USS Porter của Mỹ thực hiện phóng tên lửa vào Syria. Trung Quốc thì điều tàu sân bay đến bán đảo Triều Tiên như muốn nhắc nhở rằng Trung Quốc phản đối Mỹ có bất kỳ hành động quân sự nào ở đây.
Theo Reuters, cách tối ưu mà chính phủ Trump đang hy vọng là có thể mặc cả, thuyết phục Nga và Trung Quốc chung thuyền với mình cùng xử lý Syria và Triều Tiên. Đó chính là mục tiêu chuyến thăm Nga vừa rồi của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, cũng như việc tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước đó của ông Trump.
Tuy nhiên, điều này có vẻ không dễ dàng khi vụ nã tên lửa Syria đã làm tổn thương cơ hội cải thiện quan hệ giữa ông Trump với ông Putin, cũng như giữa hai nước. Với Trung Quốc thì đó là bất an với sự dằn mặt của Mỹ khi thực hiện vụ nã tên lửa này ngay lúc Chủ tịch Tập đang gặp ông Trump.
Không chỉ giảm thiểu khả năng hợp tác mà theo Reuters, Mỹ còn phải lường trước khả năng trả đũa của cả Nga và Trung Quốc sau vụ này. Nga có thể trả đũa bằng cách tăng hoạt động ở Ukraine hay Đông Âu. Nếu Mỹ tấn công phủ đầu Triều Tiên như đã đe dọa, Trung Quốc có thể sẽ hiếu chiến hơn ở biển Đông. Bên cạnh đó là khả năng trả đũa bằng chiến tranh mạng mà cả hai nước đều có thể thực hiện.