Theo các nhà phân tích và quan chức, xung đột Israel-Hamas kết thúc với lệnh ngừng bắn hôm 21-5 đã cho thấy khả năng của lực lượng Hamas trong việc xây dựng kho vũ khí rocket tự chế chủ yếu bằng vật liệu dân dụng cùng chuyên môn kỹ thuật của Iran, hãng tin Reuters ngày 23-5 đưa tin.
Với chi phí thấp, những loại vũ khí như trên của Hamas đặt ra nhiều khó khăn cho Israel và cộng đồng quốc tế trong việc vừa đảm bảo tái thiết Dải Gaza, đáp ứng các nhu cầu cơ bản của người dân nơi đây, đồng thời vẫn đảm bảo rằng các mặt hàng thông dụng như ống dẫn, đường để ăn uống và bê tông không được sử dụng cho mục đích quân sự.
Năng lực tự sản xuất rocket của Hamas
Nhiều quan chức cho biết vẫn chưa có giải pháp dễ dàng nào đối với vấn đề trên, nói rằng không thể nào lập tức phong tỏa một khu vực tương đối nhỏ như Dải Gaza và ngăn các hàng hóa phục vụ tái thiết không được sử dụng để chế tạo rocket.
Thách thức mới: Năng lực tự chế rocket của Hamas từ đồ dân dụng. Ảnh: REUTERS
Theo Reuters, lực lượng Hamas và Nhóm Thánh chiến Hồi giáo Palestine, đều bị Washington coi là tổ chức khủng bố nước ngoài, đã tăng cường số lượng và chất lượng rocket kể từ cuộc xung đột cuối cùng với Israel tại Dải Gaza vào năm 2014.
Một quan chức cấp cao châu Âu giấu tên cho biết: "Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên trước năng lực của lực lượng Hamas. Họ có những rocket tầm xa mà trước đây họ không có. Tất cả là nhờ Iran".
Israel cho biết lực lượng Hamas, Nhóm Thánh chiến Hồi giáo Palestine và các nhóm chiến binh khác đã bắn khoảng 4.360 quả rocket từ Dải Gaza trong cuộc xung đột, trong đó khoảng 680 quả rơi tại Dải Gaza.
Quân đội Israel cho biết hệ thống phòng không Vòm Sắt (Iron Dome) của nước này đã đánh chặn thành công khoảng 90% số rocket được bắn từ Dải Gaza.
Quân đội Israel cho biết thêm rằng khoảng 60 hoặc 70 quả rocket đã rơi trúng các trung tâm đông dân cư, cho thấy tỷ lệ chính xác là khoảng 15%. Những quả rocket khác đã rơi ở các khu vực dân cư thưa thớt, nhưng đã gây ra hoảng loạn và khiến người Israel phải tìm nơi trú ẩn khi chứng kiến cảnh rocket bay trên đầu.
Theo các nhà phân tích, phần lớn rocket của lực lượng Hamas là rocket tầm ngắn, không phức tạp và do Hamas tự chế tạo.
Ông Daniel Benjamin - cựu điều phối viên Bộ Ngoại giao Mỹ về chống khủng bố - cho biết: "Các rocket này cực kỳ đơn giản để chế tạo và sử dụng các ống kim loại. Dù tin hay không, họ sẽ sử dụng lại mảnh vụn từ tên lửa của Israel".
Reuters dẫn lời thành viên Sami Abu Zuhri thuộc Hamas cho biết lực lượng này đã tự phát triển chuyên môn về sản xuất rocket mà không cần đến sự trợ giúp nào.
"Do đó, bất kỳ nỗ lực nào nhằm thắt chặt phong tỏa tại Gaza để hạn chế khả năng của chúng tôi sẽ là vô nghĩa" – thành viên này nói với Reuters qua điện thoại.
Bước chuyển của Hamas
Theo Reuters, lực lượng Hamas và Nhóm Thánh chiến Hồi giáo Palestine trước đây đã buôn lậu tên lửa được sản xuất tại các nhà máy thông qua vùng bán đảo Sinai của Ai Cập cho đến năm 2013, thời điểm Tổng thống Ai Cập lúc bấy giờ là ông Mohammed Morsi bị quân đội lật đổ.
Sau năm 2013, Ai Cập phần lớn đã làm tắc nghẽn tuyến đường buôn lậu trên bằng cách phá hủy các đường hầm vào Dải Gaza.
Thách thức mới: Năng lực tự chế rocket của Hamas từ đồ dân dụng. Ảnh: REUTERS
Theo một quan chức Israel, động thái trên của Ai Cập đã kích hoạt sự thay đổi chiến lược của lực lượng Hamas nhằm phát triển khả năng tự chế tạo rocket với sự hỗ trợ của Iran, vốn thông qua cả những người Iran đến thăm Gaza và những người tại Gaza đi du lịch nước ngoài.
Theo các nguồn tin từ Israel và Palestine, lực lượng Hamas hiện sử dụng nguồn tài trợ và chuyên môn của Iran để chế tạo các rocket có tầm bắn từ 200 km trở lên từ trong Dải Gaza, một số có đầu đạn có thể mang theo hàng trăm kg thuốc nổ TNT và mảnh đạn.
Một quan chức an ninh Iran cho biết Hamas hiện có ít nhất ba nhà máy ngầm để sản xuất rocket ở Dải Gaza.
Theo Reuters, trong những ngày cuối cùng của cuộc xung đột, thủ lĩnh Nhóm Thánh chiến Hồi giáo Palestine Ziad Al-Nakhala hôm 19-5 đã tự hào về khả năng ứng biến vũ khí của lực lượng này từ những vật liệu hàng ngày.
"Thế giới nên biết rằng vũ khí của chúng tôi dùng để đối phó với kho vũ khí tiên tiến nhất do ngành công nghiệp Mỹ sản xuất là những ống nước mà các kỹ sư đã biến thành tên lửa" – thủ lĩnh này cho biết.
Tiền không là vấn đề
Qatar, với sự chấp thuận của Israel, đã cung cấp nguồn tài chính đáng kể cho Hamas trong những năm gần đây, với số tiền hàng triệu USD mỗi tháng, chủ yếu để trả lương hành chính, một số sau đó có thể bị bòn rút.
Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao châu Âu cho biết: "Đó không phải là khoa học tên lửa. Một người đàn ông đến từ Qatar hàng tháng mang theo vali tiền đi cùng với binh lính Israel để trả lương cho nhân viên hành chính của Hamas. Số tiền sau đó biến mất".
Thách thức mới: Năng lực tự chế rocket của Hamas từ đồ dân dụng. Ảnh: REUTERS
Theo một quan chức ngoại giao Iran, hàng triệu USD đã được giao cho các đại diện của Hamas gần như mỗi tháng, hoặc được chuyển đến Gaza hoặc các nước láng giềng.
"Điều đó không có nghĩa là tiền luôn đến từ bên trong Iran. Chúng tôi có các doanh nghiệp (trong khu vực) đã tài trợ cho Hamas và đó không phải là điều bí mật" - nhà ngoại giao giấu tên cho biết.
Theo một quan chức phương Tây chuyên theo dõi các hoạt động của Hamas, lực lượng này này có thể khai thác các danh mục đầu tư trị giá hàng trăm triệu USD từ các công ty trên khắp Trung Đông.
"Lực lượng này kiểm soát khoảng 40 công ty ở Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Sudan, Saudi Arabia và Algeria kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản và cơ sở hạ tầng" – vị quan chức này cho biết.
Trong tuần này, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết viện trợ sẽ nhanh chóng được gửi tới Gaza, nhưng cần sự phối hợp từ chính quyền Palestine "theo cách không cho phép Hamas tái trang bị kho vũ khí quân sự của mình".
Mỹ có thể sẽ yêu cầu giám sát thực địa, song không rõ liệu Hamas có cho phép điều đó hay không hay bên nào có thể làm điều đó, Reuters đưa tin.
Theo ông Dennis Ross - cựu quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ về hòa bình giữa Israel và Palestine, một bên nào đó, có thể là Ai Cập, sẽ cần phải duy trì sự hiện diện ở Gaza để kiểm tra hàng hóa nhập khẩu và giám sát việc sử dụng chúng.
Liên quan thách thức này, một quan chức Israel cho biết: “Ai đó phải tìm ra cách tốt hơn để giám sát mọi diễn biến, cách thức giám sát và mục đích sử dụng đối với các hàng viện trợ”.