Biểu tình phản đối chính phủ ở Thái Lan đã kéo dài tới ngày thứ ba liên tiếp, theo Bangkok Post.
Người biểu tình yêu cầu Thủ tướng Prayut Chan-o-cha từ chức, cải cách hiến pháp, cải cách chế độ quân chủ, thả các nhà hoạt động xã hội bị bắt.
Phương thức biểu tình bắt đầu giống ở Hong Kong
Bangkok Post dẫn thông tin từ tổ chức Luật sư Nhân quyền Thái Lan cho biết đã có 51 người trong đó có nhiều lãnh đạo biểu tình bị bắt trong bốn ngày qua.
Cuộc biểu tình ngày 16-10 bắt đầu từ 5 giờ chiều. Quy mô biểu tình tối 16-10 (hơn 1.000 người) ít hơn tối 15-10 (ước tính tới hơn 13.000 người) vì trời mưa lớn. Nhiều người mang dù xuống đường biểu tình – một phương thức người biểu tình Hong Kong thực thực hiện.
Người biểu tình mang dù xuống đường ở Bangkok (Thái Lan) chiều 16-10. Ảnh cắt từ tài khoản Twitter của BANGKOK POST
Dù quy mô biểu tình không lớn như hôm trước nhưng cũng có hàng trăm cảnh sát chống bạo động được triển khai. Cảnh sát yêu cầu người biểu tình giải tán ngay lập tức. Truyền thông được lệnh không được truyền đi hình ảnh cảnh sát đối phó biểu tình, theoBangkok Post. Tại ngã tư Pathumwan ở trung tâm thủ đô Bangkok tối 16-10, cảnh sát triển khai một vòi rồng phun nước vào đoàn người mong giải tán biểu tình.
Cảnh sát dùng vòi rồng giải tán biểu tình tại Bangkok (Thái Lan) tối 16-10. Ảnh: BANGKOK POST
Áp lệnh khẩn cấp ở Bangkok trong một tháng
10 giờ sáng 16-10, nội các Thái Lan họp phiên đặc biệt theo yêu cầu của Thủ tướng Prayut và thống nhất áp dụng tình trạng khẩn cấp kéo dài một tháng ở Bangkok, kể từ ngày 15-10, theo đề xuất của Hội đồng An ninh Quốc gia. Thực ra sắc lệnh khẩn cấp đã được Thủ tướng Prayut ban hành ở Bangkok từ 4 giờ sáng 15-10 vì độ nghiêm trọng của biểu tình.
Sắc lệnh khẩn cấp cấm tụ tập trên năm người, cấm phổ biến các tin tức được cho là đe dọa an ninh quốc gia. Nhà chức trách cũng có rộng quyền hơn, có thể bắt giữ người không cần lệnh.
Nói với truyền thông, Thủ tướng Prayut bác lời kêu gọi ông từ chức, vì mình không làm gì sai. Thủ tướng Prayut cho biết có thể ông sẽ viện tới lệnh giới nghiêm cấm mọi người rời khỏi nhà vào ban đêm nếu tình hình còn leo thang. Tuy nhiên ông khẳng định tình hình hiện tại chưa tới mức phải ban hành thiết quân luật.
Thủ tướng Prayut Chan-o-cha sau phiên họp nội các đặc biệt ngày 16-10 thống nhất ban hành tình trạng khẩn cấp kéo dài một tháng ở Bangkok. Ảnh: BANGKOK POST
Phong trào biểu tình phản đối chính phủ bắt đầu từ tháng 3. Một số sinh viên đại học xuống đường yêu cầu tổ chức bầu cử mới, thay đổi hiến pháp theo hướng dân chủ hơn, chấm dứt đe dọa các nhà hoạt động xã hội.
Người biểu tình cáo buộc Thủ tướng Prayut – vốn là một tướng quân đội, lên nắm quyền từ năm 2014 sau khi chính phủ dân sự bị lật đổ - đã có chiến thắng không công bằng trong cuộc bầu cử năm ngoái, vì luật đã được sửa đổi theo hướng có lợi hơn cho đảng thân quân đội.
Sau thời gian lắng xuống thì phong trào biểu tình lại bùng lên hồi tháng 8. Thời điểm này các sinh viên có sự chỉ trích chưa từng có với nền quân chủ và yêu cầu cải cách. Người biểu tình chỉ trích ảnh hưởng nhà vua cũng như việc ông dành nhiều thời gian ở ngoài Thái Lan.
Trong ngày 16-10 có hai người biểu tình bị bắt vì bị cáo buộc có hành động bạo lực chống lại Hoàng hậu. Cụ thể hai người này có hành vi cản trở đoàn xe chở Hoàng hậu và Thái tử đi trên đường phố Bangkok. Nếu bị kết tội họ có thể bị tù chung thân.
|