Đại biểu (ĐB) Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đã thốt lên như thế tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều 28-10 về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2016.
Bổ nhiệm ồ ạt vào cuối nhiệm kỳ gây bức xúc
Báo cáo về công tác PCTN năm 2016 trước Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết công tác PCTN năm qua đã có chuyển biến ở nhiều lĩnh vực, nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng được phát hiện, điều tra, xử lý… Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận “tình hình tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với mức độ phổ biến, tính chất rất nghiêm trọng và chưa bị đẩy lùi”. “Công tác PCTN nói chung chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra và vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém” - ông Sáu nói.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội Lê Thị Nga cũng đưa ra nhận định “công tác PCTN chưa đạt được mục tiêu đề ra”, “chưa chỉ rõ địa chỉ và trách nhiệm của người có thẩm quyền”. Cụ thể, theo bà Nga, hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ án tham nhũng nhỏ, ở cấp xã hoặc những vụ tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm. Ở cấp tỉnh, huyện, các bộ, ngành, nhìn chung việc phát hiện và xử lý tham nhũng còn rất ít trong khi theo phản ánh của dư luận, tình hình tham nhũng ở những khu vực này còn nghiêm trọng.
Theo bà Nga, do không có địa chỉ cụ thể nên không xác định được trách nhiệm cá nhân và không có tác dụng mạnh mẽ để chỉnh đốn, thay đổi. “Quyết tâm chống tham nhũng chỉ nằm trên văn bản, còn hành động trên thực tế lại chưa tương xứng. Đáng lưu ý có một số cán bộ còn bao che, tiếp tay, “bảo kê” cho vi phạm” - bà Nga nói.
Chủ nhiệm UBTP nêu rõ: Thời gian qua có một số trường hợp lạm dụng quy định để điều động, bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn…, thực tế là người thân trong gia đình. Có trường hợp bổ nhiệm ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ... đã gây nghi ngờ, bức xúc, bất bình trong dư luận. Đặc biệt những quy định nhằm kiểm soát quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn của các cơ quan trong hệ thống chính trị còn nhiều sơ hở, chưa cụ thể. Điều này cùng với việc thiếu kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực trên thực tế dẫn tới tình trạng lạm quyền để trục lợi cá nhân, câu kết “sân sau”, “lợi ích nhóm”…
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đang nêu ý kiến tại phiên thảo luận về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016. Ảnh: QH
“Ngàn tỉ tham nhũng đã đi đâu?”
Trước thực trạng “tham nhũng ở nhiều cấp, nhiều ngành”, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) nhấn mạnh nếu không quyết liệt PCTN nó sẽ trở thành “nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ”. “Tham nhũng làm kiệt quệ ngân khố của quốc gia, kìm hãm sự phát triển của đất nước, xâm phạm quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt đã làm tha hóa nhiều cán bộ” - ĐB Sinh nói.
Theo ĐB Sinh, dù nhiều vụ án tham nhũng ngàn tỉ được xét xử với những bản án hết sức nghiêm khắc đã làm nức lòng nhân dân. Tuy vậy, thu hồi tài sản lại không đáng là bao so với số tiền thất thoát. “Vậy ngàn tỉ tham nhũng đã đi đâu, được dùng vào việc gì, ai đã nhận nó vẫn là câu hỏi của nhân dân chờ các câu trả lời từ các cơ quan quản lý nhà nước. Nếu không biết tiền đã đi đâu thì làm sao thu hồi được, làm sao diệt tham nhũng được tận gốc” - ông Sinh đặt câu hỏi.
Quyết liệt hơn, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đặt vấn đề vì sao Nhà nước có đầy đủ công cụ về thể chế, pháp luật, tổ chức bộ máy… để chống tham nhũng nhưng tình hình tham nhũng không thuyên giảm mà ngày càng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng hơn. “Dường như tình trạng tham nhũng vẫn tiếp tục hồn nhiên nhảy múa trên lưỡi gươm pháp luật. Ở đây phải chăng có tình trạng tham nhũng chồng tham nhũng, cơ quan chống tham nhũng có khả năng bảo vệ, bao che cho tham nhũng?” - ĐB Nhưỡng nói.
Tham nhũng do chính quyền hay do dân?
Nêu ý kiến về công tác PCTN, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) tỏ ra không đồng tình với việc UBTP đã đưa ra (trong báo cáo thẩm tra về công tác PCTN) nhận định: “Người dân, doanh nghiệp ngày càng có tư tưởng chịu đựng tham nhũng dẫn đến chấp nhận các chi phí không chính đáng, không chính thức trong công việc giải quyết có liên quan đến chính quyền”. “Rõ ràng cơ chế chúng ta tạo ra, vấn đề tham nhũng nó đặt lên người dân và doanh nghiệp áp lực rất lớn, một sự bất bình, thậm chí dẫn đến bất mãn. Chúng ta không thể nói đó là một tư tưởng chịu đựng được, mà (người dân bị đặt vào) trong một cái thế phải chịu đựng cái điều đó” - bà Tâm nói và đề nghị UBTP giải trình thêm về nhận định này.
Giải trình thêm liên quan đến câu hỏi của ĐB Tâm về việc “đánh giá người dân, doanh nghiệp ngày càng có tư tưởng chịu đựng tham nhũng dẫn đến chấp nhận các chi phí không chính thức...”, bà Nga cho hay đây là kết quả báo cáo của PAPI và ủy ban khi thẩm tra thấy phù hợp với thực tế hiện nay. “Ở đây có thể do cách dùng từ. Ban đầu chúng tôi dùng từ “chịu đựng”, từ thứ hai là “chấp nhận”, tức là ở thể bị động. Khi lựa chọn hai từ này chúng tôi cũng rất cân nhắc. Chúng tôi đánh giá vì lỗi đầu tiên của Nhà nước là chống tham nhũng không tốt nên dẫn đến người dân phải “chịu đựng”, rồi dần dần phải “chấp nhận” để giải quyết các công việc” - bà Nga giải thích.
Lấy ví dụ việc đưa hối lộ khá phổ biến trong lĩnh vực giao thông, bà Nga cho rằng “trước hết là do các đồng chí cảnh sát, sau này càng ngày càng nhiều người dân chủ động đưa hối lộ”. Cũng theo bà Nga, việc người dân từ “chịu đựng” dẫn đến “chấp nhận”, sau đó là “chủ động” hối lộ không chỉ diễn ra trong lĩnh vực giao thông mà còn diễn ra trong nhiều lĩnh vực khác.
11 đó là số người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý trong năm 2016, trong khi có tới 194 vụ/441 bị cáo bị TAND các cấp đã ra xét xử sơ thẩm. |