Ngày 23-9, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres thông báo Hội đồng hiến pháp Syria đã được thành lập sau gần hai năm đàm phán và sẽ nhóm họp lần đầu tiên trong vài tuần tới, hãng tin AP cho biết.
Tổng thư ký Guterres nói với phóng viên ở trụ sở LHQ rằng chính phủ Syria và các lực lượng đối lập đã gạt bỏ những bất đồng để tiến tới một thỏa thuận xây dựng một hội đồng lập pháp gồm 150 ủy viên, bao gồm các thành viên từ cả chính quyền Damascus, các lực lượng đối lập và các tổ chức xã hội dân sự.
Ngoại trưởng Syria Walid al-Moallem có cuộc họp với Đặc phái viên LHQ về Syria Geir Pedersen. Ảnh: SANA
Hội đồng này có nhiệm vụ soạn thảo một hiến pháp mới nhằm chấm dứt tình trạng chiến tranh khốc liệt ở Syria qua các phiên thảo luận ở Geneva do LHQ hậu thuẫn. Việc thành lập hội đồng này là một bước đi quan trọng, với triển vọng chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn tám năm và làm chết hơn 400.000 người.
"Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng việc thành lập một Hội đồng hiến pháp của người dân Syria và do chính người Syria đứng đầu, có đủ năng lực và chắc chắn sẽ mở ra con đường chính trị hướng tới các giải pháp thoát khỏi thảm kịch" - Tổng thư ký Guterres nói. Ông mô tả hội đồng này là đáng tin cậy, không thiên vị và bao gồm đầy đủ các lực lượng chính trị ở quốc gia Trung Đông này.
Syria đang lên kế hoạch tổ chức bầu cử tổng thống vào năm 2021. LHQ mong muốn các cuộc đối thoại xây dựng hiến pháp có thể tạo ra môi trường và cơ chế hỗ trợ cho một cuộc bầu cử tự do.
Các quan chức chính quyền đề xuất Tổng thống Bashar al-Assad nên tái tranh cử. Trong khi đó, phe đối lập tuyên bố sẽ không có giải pháp chính trị toàn diện cho xung đột ở Syria, chừng nào ông al-Assad còn tại nhiệm.
Theo lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ tháng 8, chính quyền Damascus đã ngừng hoạt động quân sự ở tỉnh Idlib, thành trì cuối cùng của lực lượng nổi dậy. Phần lớn diện tích tỉnh này do nhóm Hayat Tahrir al-Sham, có liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda, kiểm soát.
Kế hoạch xây dựng Hội đồng hiến pháp đã được đưa ra tại một hội nghị hòa bình Syria do Nga tổ chức hồi đầu năm 2018 nhưng phải mất đến gần 20 tháng để các bên thống nhất danh sách thành viên hội đồng này, đặc biệt là danh sách các chuyên gia, thành viên độc lập, lãnh đạo các bộ lạc và vai trò của phụ nữ trong tiến trình hòa bình ở Syria.
"Việc thành lập và vận hành Hội đồng hiến pháp Syria phải đi cùng với những hành động cụ thể để xây dựng tín nhiệm và lòng tin giữa các bên" - ông Guterres tuyên bố.
Trước đó, ngay trong ngày 23-9, hãng thông tấn nhà nước Syria SANA đưa tin Ngoại trưởng Syria Walid al-Moallem đã có cuộc gặp với Đặc phái viên của LHQ Geir Pedersen tại Damascus. Bộ trưởng Moallem cho biết hai bên tập trung thảo luận vấn đề thành lập hội đồng lập pháp và đảm bảo nó hoạt động "mà không chịu bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài".
SANA cho biết thêm, chỉ người dân Syria mới có quyền quyết định tương lai của mình "mà không chịu các tác động từ bên ngoài trong việc đảm bảo khôi phục ổn định và an ninh trên toàn bộ lãnh thổ Syria". Ngoại trưởng Moallem tuyên bố Syria có quyền tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố vì nó phù hợp với luật pháp quốc tế.