Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tin rằng chiến tranh ở Syria đã và đang đi đến hồi kết và nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy giải quyết lâu dài cuộc khủng hoảng ở Cộng hòa Ả Rập này cũng như ở toàn khu vực Trung Đông.
“Chiến tranh ở Syria đã thực sự kết thúc. Đất nước này đang dần trở lại cuộc sống bình thường, bình yên. Một số điểm nóng căng thẳng vẫn nằm ở những vùng không do chính phủ Syria kiểm soát, chẳng hạn như tỉnh Idlib và bờ đông sông Euphrates” - ông Lavrov trả lời phỏng vấn tờ Trud (Bulgaria) ngày 12-9.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: SPUTNIK
Ông Lavrov cho rằng những mục tiêu quan trọng nhất đối với Syria bây giờ là cung cấp viện trợ nhân đạo cho dân thường và thúc đẩy tiến trình chính trị về giải quyết khủng hoảng nhằm đạt được sự ổn định lâu dài tình hình đất nước cũng như toàn bộ khu vực Trung Đông.
Trước đó trong ngày 12-9, Ngoại trưởng Lavrov nói rằng phe đối lập Syria đang đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình hòa giải Syria.
“Chúng tôi tin việc thành lập và ra mắt ủy ban được thiết kế để phát triển sự cải cách hiến pháp sẽ là bước đi quan trọng trong việc thúc đẩy tiến trình chính trị do chính người dân Syria làm chủ và thực hiện với sự hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc. Thực tế, việc nhóm họp sẽ cho phép những bên ở Syria gồm chính phủ và phe đối lập lần đầu tiên khởi động một cuộc đối thoại trực tiếp về tương lai của đất nước họ” - ông Lavrov nhấn mạnh.
Cũng trong ngày 12-9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Theo ngoại trưởng Nga, Nga đã thông báo cho Israel về những bước đi mà Nga đang thực hiện để “ủng hộ những nỗ lực của chính phủ Syria trong cuộc chiến chống khủng bố vẫn còn cố thủ ở vùng Idlib, đồng thời đẩy mạnh các vấn đề liên quan tới viện trợ nhân đạo và xúc tiến tiến trình chính trị trong bối cảnh thành lập ủy ban hiến pháp”.
“Chúng tôi nhấn mạnh và nhấn mạnh sự cần thiết - và ở đây Israel hoàn toàn đồng ý với chúng tôi - đảm bảo trên thực tế, chứ không chỉ lời nói, tôn trọng chủ quyền và tính toàn vẹn lãnh thổ của Cộng hòa Ả Rập Syria. Và theo tinh thần này, về phần mình, chúng tôi đã nêu bật những vấn đề hỗ trợ chính quyền và người dân Syria nói chung được trở về cuộc sống bình yên thường nhật” - ông Lavrov nói với báo giới.
Xe tăng của quân đội Syria cắm chốt tại một trạm tập kết ở thị trấn Khan Sheikhun, tỉnh Idlib. Ảnh: RT
Ông Lavrov nói thêm rằng Nga cũng nhấn mạnh rằng những lệnh trừng phạt mà Mỹ và các quốc gia châu Âu áp đặt đối với chính phủ Syria hợp pháp hoàn toàn phản tác dụng.
“Theo tôi nghĩ, chúng tôi đã tìm ra sự thấu hiểu từ những người đồng cấp Israel về những vấn đề này” - ông Lavrov nói.
Syria rơi vào nội chiến kể từ năm 2011, với việc lực lượng chính phủ chống nhiều nhóm đối lập cũng như các tổ chức khủng bố. Nga cùng với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran là những nước bảo trợ cho lệnh ngừng bắn ở Syria. Moscow cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân ở quốc gia chiến sự này.
Liên Hiệp Quốc lên án Mỹ và đồng minh phạm tội ác chiến tranh
Theo đài RT, trong bản báo cáo mới mô tả chín năm chiến tranh ở Syria đã khiến đất nước này gần như bị phá hủy hoàn toàn như thế nào, Ủy ban Điều tra của Liên Hiệp Quốc đã lên án các tội ác chiến tranh nhằm vào dân thường ở Syria do Mỹ và các lực lượng đồng minh tiến hành.
Dân thường tiếp tục “chịu đựng sự thù địch” nằm trong tay của tất cả các bên tham chiến, báo cáo của ủy ban điều tra quốc tế độc lập về Cộng hòa Ả Rập Syria của Liên Hiệp Quốc công bố hôm 11-9 cho biết.
“Lực lượng liên minh quốc tế đã thất bại trong việc sử dụng các biện pháp phòng ngừa cần thiết để tách bạch rõ ràng giữa các mục tiêu quân sự và dân thường” - báo cáo tuyên bố, đồng thời cảnh báo “việc phát động các cuộc tấn công bừa bãi dẫn đến tử vong hoặc thương tích cho dân thường chẳng khác gì tội ác chiến tranh trong những trường hợp các cuộc tấn công như vậy được tiến hành một cách liều lĩnh”.
Các nhân viên cứu hộ của Trăng lưỡi liềm đỏ vận chuyển thi thể nạn nhân trong cuộc không kích do liên quân Saudi Arabia dẫn đầu nhằm vào một nhà tù ở Dhamar, Yemen hôm 1-9. Ảnh: REUTERS
Mỹ và các lực lượng đồng minh chịu trách nhiệm cho việc “tàn phá trên diện rộng các thị trấn và làng mạc ở tỉnh Deir ez-Zor” và việc dẫn tới sự di tản của hàng ngàn người, trong đó có nhiều người phải ở lại trại Al-Hol, nơi bệnh tật và điều kiện khắc nghiệt.
Ngoài việc không thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu thiệt hại cho dân thường, báo cáo của Liên Hiệp Quốc còn trích dẫn “các điều kiện nhân đạo kinh khủng” mà người dân trải qua như “tham nhũng tràn lan, tống tiền, thiếu dịch vụ và an ninh, lạm dụng quyền lực” của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ bảo trợ và tàn dư tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), cùng với các nhóm khác như Tổ chức Giải phóng Levant (còn được biết là Hayat Tahrir al-Sham, một chi nhánh của al-Qaeda). Các nhóm này bị cáo buộc cố ý khủng bố người dân sống dưới sự kiểm soát của chính phủ Syria.
Một cơ quan khác của Liên Hiệp Quốc là Ủy ban Nhân quyền tuần trước cũng công bố một báo cáo chỉ ra vai trò của Mỹ, Anh và Pháp trong cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Yemen, nơi một liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu đang chiến đấu chống các lực lượng địa phương từ năm 2015.
Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tuyên bố việc viện trợ và tiếp tay cho một tội ác chiến tranh bằng cách bán vũ khí cho một quốc gia mà biết rằng sẽ được sử dụng trong sứ mệnh tàn bạo thì cũng là một tội ác chiến tranh.