Cùng với đó, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng tán thành việc sáp nhập hai đơn vị hành chính cấp xã, thành lập sáu phường thuộc thị xã Chí Linh; điều chỉnh địa giới hành chính, sáp nhập hai đơn vị hành chính cấp xã của huyện Hồng Ngự.
Thị xã Chí Linh chính thức trở thành thành phố
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết thị xã Chí Linh nằm trong vùng tam giác kinh tế trọng điểm phía Bắc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, là điểm kết nối trên chuỗi đô thị hành lang kinh tế công nghiệp Bắc Ninh - Chí Linh - Đông Triều - Mạo Khê - Uông Bí - Hạ Long và có hệ thống đường giao thông thuận lợi.
Cạnh đó, thị xã Chí Linh còn có nhiều tiềm năng cho phát triển du lịch tâm linh với 25 di tích lịch sử đã được xếp hạng, trong đó có hai di tích đã được xếp hạng Quốc gia đặc biệt và tám di tích được xếp hạng Quốc gia.
Giữa tháng 2-2010, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết thành lập thị xã Chí Linh. Sau hơn tám năm thành lập, thị xã đã có sự phát triển mạnh mẽ, đồng bộ trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, hạ tầng đô thị; Hệ thống hạ tầng của thị xã được nâng cấp, đồng bộ, từng bước hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Tờ trình khẳng định việc thành lập thành phố Chí Linh “là cần thiết”, nhằm tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế của thị xã để sớm trở thành đô thị động lực, trung tâm kinh tế, trung tâm văn hóa thương mại, du lịch và công nghiệp của tỉnh Hải Dương, giữ vị trí chiến lược quan trọng của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Đồng thời, việc này cũng góp phần giải quyết những khó khăn, bất cập trong công tác lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, quản lý trật tự xây dựng đô thị, quản lý quy hoạch, quản lý sử dụng tài nguyên đất và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Cũng theo tờ trình của Chính phủ, việc thành lập thị trấn Thường Thới Tiền trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính hai xã Thường Thới Tiền và Thường Phước 2.
Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, việc thành lập thị trấn Thường Thới Tiền thuộc huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) phù hợp với Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình phát triển đô thị tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của UBND tỉnh Đồng Tháp.
Đồng thời, việc này cũng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền thị trấn, phát huy vai trò là đô thị trung tâm của huyện Hồng Ngự. Từ đó tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa theo quy hoạch được phê duyệt.