Thay đổi phương án lấy trụ bê tông có bé trai bị mắc kẹt lên

(PLO)- Sau gần 1 tuần tích cực cứu hộ nhưng chưa thể đưa trụ bê tông lên, lực lượng chức năng đã quyết định sử dụng kết hợp biện pháp cọc ván thép và ống vách thép làm sạch đất xung quanh trụ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tối 6-1, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn, an ninh vẫn tiếp tục khẩn trương làm việc để tìm phương án hiệu quả nhất đưa bé trai bị mắc kẹt trong trụ bê tông sâu 35 m lên.

Sau khi đánh giá, thảo luận, các chuyên gia thống nhất sử dụng kết hợp biện pháp cọc ván thép và ống vách thép trong quá trình làm sạch đất xung quanh trụ bê tông. Theo đó, cọc ván thép sẽ được đóng xung quanh trụ bê tông tạo thành một bộ khung 4,8m x 4,8m, đất xung quanh trụ được lấy lên bằng gàu xúc (tạm gọi là tầng 1).

Lãnh đạo tỉnh và các ngành chuyên môn liên tục xuống hiện trường để nắm tình hình và chỉ đạo công tác cứu hộ.
Lãnh đạo tỉnh và các ngành chuyên môn liên tục xuống hiện trường để nắm tình hình và chỉ đạo công tác cứu hộ.

Từ đáy tầng 1, dùng ống vách thép đường kính 1,6m đóng xuống đến khi đạt độ sâu của đáy trụ bê tông (tạm gọi là tầng 2). Sau đó dùng khoan guồng xoắn lấy đất xung quanh trụ lên. Khi tiếp cận đáy trụ sẽ dùng hệ thống cáp và cần cẩu nhắc trụ bê tông lên.

Như PLO đưa tin, vào khoảng 11 giờ 30 phút, ngày 31-12-2022, tại khu vực công trình đang thi công mố cầu Rọc Sen thuộc ấp 2, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, cháu Thái Lý Hạo Nam, sinh năm 2012, ngụ ấp 2, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp cùng 3 cháu nhỏ khác rủ nhau vào khu vực công trình nêu trên để nhặt sắt vụn.

Do bất cẩn, nên cháu Nam bị rơi xuống lỗ rộng khoảng 60cm, cọc bê tông ly tâm D500 (lỗ cọc đường kính 25cm, độ sâu 35m). Sau khi xảy ra tai nạn, các cháu đi cùng đã báo với Ban chỉ huy công trình và ông Thái Văn Tấn Tài (cha cháu bé) cùng đến phối hợp để cứu hộ nhưng bất thành.

Sau khi sự việc xảy ra, lực lượng chức năng điều động các phương tiện kỹ thuật công nghệ cao đến hiện trường để thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ nhanh chóng, kịp thời. Tuy nhiên, do địa hình phức tạp, nền đất yếu, càng xuống sâu đất sét dính chặt khiến công tác cứu nạn, cứu hộ gặp nhiều khó khăn.

Đến chiều 4-1, sau khi nhận được hội chẩn từ các cơ quan chuyên môn, ông Đoàn Tấn Bửu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã công bố cháu bé đã tử vong.

Sau sự cố đau lòng của bé Nam, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có công văn khẩn yêu cầu các Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị là chủ đầu tư công trình xây dựng phải tăng cường công tác an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong thi công xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh.

Trong đó các đơn vị phải đặc biệt lưu ý phải kiểm tra thông tin về điều kiện năng lực của các tổ chức, cá nhân hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động. Kiên quyết đình chỉ hoạt động của tổ chức, cá nhân vi phạm và báo cáo kịp thời về Sở Xây dựng, Công an tỉnh để tổng hợp, trình cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm