Sản xuất và buôn bán ma túy đã bùng nổ ở Afghanistan trong những năm gần đây. Nguồn tiền khổng lồ thu được từ chất kích thích này được dùng để phục vụ cho các hoạt động chiến đấu của các chiến binh Taliban.
Tờ South China Morning Post ngày 20-8 dẫn lời các nhà phân tích cho biết Taliban sẽ không dễ dàng từ bỏ việc kiếm tiền từ ma túy, bất chấp các cam kết của nhóm với người dân Afghanistan và cộng đồng quốc tế.
Taliban gặp khó về chuyện tài chính
Trong cuộc họp báo đầu tiên kể từ kiểm soát thủ đô Kabul, phát ngôn viên của Taliban Zabihullah Mujahid cam kết nhóm sẽ không biến Afghanistan thành "quốc gia phụ thuộc vào ma túy".
Afghanistan là nhà cung cấp thuốc phiện bất hợp pháp lớn nhất thế giới. Ảnh: REUTERS
"Chúng tôi đảm bảo với đồng hương và phụ nữ cũng như cộng đồng quốc tế, chúng tôi sẽ không sản xuất bất kỳ chất ma túy nào. Từ giờ trở đi, không ai được tham gia buôn bán heroin, không ai có thể tham gia buôn lậu ma túy" - đại diện Taliban nói.
Tuy nhiên, đây dường như là một lời hứa suông của Taliban khi nhóm này không phải là chính quyền hợp pháp được công nhận ở Afghanistan. Cũng vì lý do này mà nhóm không được tiếp cận nguồn dự trữ tài chính và viện trợ nước ngoài - nguồn tiền giúp duy trì nền kinh tế mong manh của quốc gia Nam Á trong 20 năm qua.
Một số nhà tài trợ lớn, bao gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã ngừng hỗ trợ cho Afghanistan - một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới.
Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, vào năm 2020, các dòng tiền viện trợ chiếm 42,9% trong tổng GDP 19,8 tỉ USD của Afghanistan.
Ngoài ra, Taliban cũng không có nhiều nguồn quỹ khác để huy động vì phần lớn dự trữ của đất nước được giữ ở nước ngoài.
Trong tuần này Mỹ đã đóng băng khoảng 9 tỉ USD tài sản ở Ngân hàng Da Afghanistan (DAB) - ngân hàng trung ương của Afghanistan. Khoảng 7 tỉ USD trong số đó là của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, theo một quan chức hàng đầu của DAB.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng đã ngừng cung cấp tiền mặt cho Afghanistan, và Taliban vẫn nằm trong danh sách chỉ định trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ.
Cam kết chỉ mang tính đối phó
Theo ông Jonathan Goodhand - chuyên gia nghiên cứu về các hoạt động buôn lậu ma túy quốc tế tại Đại học SOAS London, "chất trắng" đã trở thành nguồn tiền quan trọng của nhóm và Taliban sẽ không dễ dàng từ bỏ nó.
Chuyên gia này cho biết thực chất Taliban chỉ muốn tạo ra hình ảnh ôn hòa và cởi mở hơn trong việc tương tác với phương Tây và họ nhận ra rằng ma túy là một cách tốt để làm điều này.
Tuy nhiên, các cam kết nói trên đều không thực tế, vì bất cứ hình thức cấm ma túy nào cũng đều ảnh hưởng đến nông dân ở các vùng thuộc quyền kiểm soát của Taliban như các tỉnh Helmand và Kandahar.
Phần lớn thuốc phiện và bạch phiến trên thế giới đến từ Afghanistan. Việc sản xuất và xuất khẩu tập trung ở các khu vực do Taliban kiểm soát. Vì thế, sẽ rất khó để nhóm này áp dụng một cách tiếp cận tích cực đối với ma túy.
Các quan chức Liên Hợp Quốc báo cáo rằng Taliban có thể kiếm được hơn 400 triệu USD từ năm 2018 đến năm 2019 từ hoạt động buôn bán ma túy. Theo ước tính, tới 60% doanh thu hàng năm của Taliban đến từ các hoạt động liên quan ma túy.
Theo báo cáo năm 2020 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, việc tống tiền các doanh nghiệp cũng như tiền chuộc từ việc bắt cóc cũng mang lại thu nhập cao cho nhóm.