Các nhân chứng cho biết ba người biểu tình đã thiệt mạng tại Myanmar hôm 8-3 khi người biểu tình trên khắp nước này tìm cách đình công sau cuộc vây ráp và bắt giữ trong đêm của lực lượng an ninh cuối tuần qua.
Người biểu tình Myanmar tuần hành với tấm khiên tạm bợ trên một con đường chính ở Mandalay hôm 8-3. Ảnh: AP
Theo kênh Channel News Asia, hình ảnh đăng trên Facebook cho thấy thi thể hai người đàn ông nằm trên đường ở thị trấn Myitkyina (bang Kachin). Nhân chứng kể rằng họ đang tham gia biểu tình thì bị cảnh sát bắn lựu đạn gây choáng và hơi cay. Một số người sau đó bị trúng đạn từ các toàn nhà gần đó.
Một nhân chứng, người đã giúp di chuyển những thi thể tới nơi an toàn, nói với Reuters rằng hai người trên bị bắn vào đầu và tử vong tại chỗ. Người này còn cho biết có ba người bị thương.
“Thật vô nhân đạo khi giết chết dân thường không vũ trang. Chúng tôi phải có quyền biểu tình hòa bình” – người này nói.
Hiện chưa rõ ai đã nổ súng vào người biểu tình. Lúc đó cả cảnh sát lẫn quân đội đều có mặt tại cuộc biểu tình, nhân chứng cho biết.
Một nhà hoạt động chính trị và truyền thông địa phương cho biết ít nhất một người thiệt mạng và hai người bị thương trong cuộc biểu tình ở thị trấn Phyar Pon (vùng đồng bằng Irrawaddy).
Phía quân đội Myanmar từ chối trả lời yêu cầu bình luận. Cảnh sát ở Myitkyina và Phyar Pon cũng không phản hồi.
Theo video lan truyền trên Facebook, đám đông biểu tình phản đối chính biến tiếp tục tập trung tại Yangon, TP Mandaly và nhiều thị trấn khác.
Người biểu tình ở Dawei – một thị trấn ven biển phía nam được nhóm vũ trang thiểu số Liên minh Quốc gia Karren bảo vệ. Những người biểu tình vẫy cờ làm từ sarong của phụ nữ Myanmar tại một số nơi hoặc treo thành hàng trên đường phố để kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8-3 trong khi lên án quân đội.
Truyền thông nhà nước cho biết lực lượng an ninh vẫn xuất hiện tại các bệnh viện và trường đại học nhằm thực thi luật pháp.
Ít nhất chín hiệp hội ở các lĩnh vực như xây dựng, nông nghiệp và sản xuất đã kêu gọi “tất cả người dân Myanmar” ngừng làm việc để phản đối chính biến và khôi phục chính phủ được bầu của bà Aung San Suu Kyi.
“Cho phép các hoạt động kinh doanh và kinh tế tiếp tục sẽ giúp quân đội khi họ đàn áp sức lực của người dân Myanmar. Đến lúc phải hành động để bảo vệ nền dân chủ của chúng ta” – tuyên bố của các liên minh công đoàn cho biết.
Biểu tình nổ ra tại Myanmar sau khi quân đội tiến hành chính biến, bắt giữ nhà lãnh đạo dân sự Suu Kyi hôm 1-2. Quân đội cáo buộc cuộc bầu cử tháng 11-2020 gian lận khi đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) chiến thắng áp đảo.
Mỹ và một số nước phương Tây đã áp lệnh trừng phạt vào quân đội Myanmar. Hôm 7-3, Úc thông báo dừng hợp tác quân sự với Myanmar, nói rằng sẽ chỉ làm việc với các nhóm phi chính phủ ở Myanmar.
Cũng trong ngày 7-3, Trung Quốc – nước láng giềng của Myanmar nói rằng nước này sẵn sàng làm việc với tất cả các bên để xoa dịu khủng hoảng và không đứng về phía bên nào.