Quốc tế lên án vụ cảnh sát Myanmar bắn chết 18 người biểu tình

Ngày 28-2 (giờ địa phương), hàng chục ngàn người dân Myanmar tiếp tục xuống đường trên khắp cả nước để phản đối chính quyền quân sự, đánh dấu tuần thứ hai liên tiếp quốc gia này chìm trong bất ổn. 

Đáng chú ý, trái với các đợt xuống đường thời quan qua, đài CNN dẫn báo cáo của Hội đồng Quyền con người Liên Hợp Quốc (UNHRC) khẳng định cuộc biểu tình ngày 28-2 lại diễn biến cực kỳ bạo lực với các vụ đụng độ lớn giữa người biểu tình và lực lượng cảnh sát liên tiếp xảy ra tại các thành phố lớn ở Myanmar.

Nhân viên cứu hộ chăm sóc cho một người biểu tình bị thương do trúng đạn cảnh sát ở TP Mandalay ngày 28-2. Ảnh: REUTERS

Cảnh sát được trông thấy triển khai vòi rồng, hơi cay và đạn cao su và đạn thật với số lượng gấp nhiều lần các đợt trước để giải tán đám đông. Các vụ bắn chỉ thiên cảnh cáo cũng xuất hiện nhiều hơn.

Hậu quả của lần leo thang này là ít nhất 18 người bị cảnh sát bắn chết tại chỗ và ít nhất 50 người khác bị thương. Báo cáo cho biết con số này hiện chỉ mới là thống kê ban đầu nên có thể sẽ thay đổi trong thời gian tới.  

UNHRC còn cho biết an ninh Myanmar ngày 28-2 tiến hành đợt truy quét trên diện rộng, bắt giữ hơn 1.000 người có liên quan đến các hoạt động biểu tình và phản đối chính quyền quân sự.

Người biểu tình dùng khiên tự chế để chặn vòi rồng và hơi cay của cảnh sát ở TP Yangon ngày 28-2. Ảnh: AP

Trong số này có khoảng 85 sinh viên ngành y ở TP Yangon chuẩn bị tổ chức biểu tình riêng, một số thành viên chính quyền dân sự chưa bị bắt trong cuộc chính biến đầu tháng 2 và một số phóng viên của hãng truyền thông quốc tế đang tác nghiệp. 

Cuối bản báo cáo, UNHRC kêu gọi chính quyền quân sự lập tức thả những người bị bắt và nhấn mạnh cộng đồng quốc tế sẽ luôn sát cánh cùng phe biểu tình ở Myanmar.

Hiện chính quyền quân sự lực lượng cảnh sát Myanmar chưa đưa ra bình luận chính thức nào về thông tin của UNHRC. 

Cộng đồng quốc tế nhìn chung phản ứng tiêu cực trước các diễn biến bạo lực ở Myanmar trong ngày 28-2. 

Cụ thể, phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres - ông Stephane Dujarric cho biết ông Guterres lên án mạnh mẽ hành xử quá tay của lực lượng cảnh sát Myanmar, bày tỏ quan ngại trước số lượng thương vong ngày càng tăng ở đây và chỉ trích việc bắt người hàng loạt là "không thể chấp nhận được", theo hãng tin Reuters.

"Tổng thư ký Antonio Guterres kỳ vọng các nước khác cùng chung tay gửi thông điệp rõ ràng đến quân đội Myanmar rằng họ cần phải lắng nghe ý nguyện của người dân và tôn trọng kết quả bầu cử" - ông Dujarric khẳng định. 

Bộ Ngoại giao Indonesia cũng ra thông cáo cho biết cực kỳ quan ngại trước tình trạng bạo lực ở Myanmar và kêu gọi cảnh sát nước này kiềm chế sử dụng vũ lực lên người biểu tình, tránh gây thêm thương vong, tờ South China Morning Post đưa tin. Ngoại trưởng Indonesia - bà Retno Marsudi tuần qua cũng đã nhiều lần trao đổi với lãnh đạo quân đội Myanmar về lối thoát cho khủng hoảng chính trị ở đây.

Về phía Mỹ, Ngoại trưởng Antony Blinken trên trang Twitter cá nhân chính thức khẳng định nước này sẽ luôn ủng hộ hết sức và đứng về phe người biểu tình. Ông còn gọi vụ việc ngày 28-2 là "hành động tàn bạo khủng khiếp" của lực lượng cảnh sát Myanmar. 

Đại diện cấp cao về an ninh và chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cũng ra tuyên bố nhấn mạnh khối này lên án hành động của chính quyền quân sự Myanmar và xác nhận sẽ áp lệnh trừng phạt đáp trả, theo đài Euronews

"Quân đội Myanmar đã cho thấy họ không hề tôn trọng luật pháp quốc tế khi để cảnh sát bắn chết người biểu tình và sẽ phải gánh chịu hậu quả. EU sẽ đưa ra động thái thích đáng trong thời gian tới" - ông Borrell nhấn mạnh. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm