Hiện nay rau sạch đang là vấn đề được nhiều người quan tâm, nhất là sau thông tin "rau dỏm" biến hình thành rau đạt chuẩn VietGap vào các hệ thống siêu thị. Điều này đã ảnh hưởng nhiều tới lòng tin của người tiêu dùng vào các chứng nhận “rau sạch” hiện nay, đồng thời cũng tạo ra nhiều rào cản cho các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất nông nghiệp hữu cơ chân chính.
Tại Diễn đàn “Kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ (NNHC) và các sản phẩm chế biến” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 28-9 tại TP.HCM, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, hiện nay thị trường sản phẩm hữu cơ ở Việt Nam ngày một phát triển vì mức thu nhập của người dân ngày càng tăng, từ chỗ lo đủ ăn đã chuyển thành ăn ngon, tốt cho sức khỏe.
Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn các sản phẩm theo tiêu chí: Sản phẩm bắt mắt, ngon, hợp khẩu vị (87%); sản phẩm an toàn (80%); sản phẩm có bao bì ghi thông tin rõ ràng (39%); sản phẩm hữu cơ (26%). Như vậy có thể thấy, sản phẩm hữu cơ vẫn chiếm tỷ lệ thấp trong bức tranh tiêu dùng.
Sản phẩm hữu cơ vẫn chiếm tỷ lệ thấp trong bức tranh tiêu dùng. ẢNH: NGUYÊN HÀ |
Cùng với đó, hiện nay còn rất nhiều người vẫn chưa hiểu đúng về định nghĩa “hữu cơ”. Do đó, theo bà Hạnh cần tích cực đưa ra một định nghĩa rõ ràng, đơn giản thế nào là mô hình sản xuất hữu cơ. Theo đó sản xuất phải đảm bảo nguyên tắc 6 không: Không phân bón vô cơ; không thuốc bảo vệ thực vật; không thuốc diệt cỏ; không dùng giống biến đổi gien; không dùng thuốc kích thích tăng trưởng; không có hóa chất trong đất và nước.
Chính vì thế, muốn phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, theo bà Hạnh, cần phải nghiêm khắc về tiêu chuẩn. Các cơ quan nhà nước cùng doanh nghiệp cần tăng cường hơn nữa việc trang bị kiến thức, lòng tin cho người tiêu dùng về thế nào là rau, củ, quả hữu cơ.
“Thực phẩm hữu cơ rất có tiềm năng phát triển vì người giàu, tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều, họ có khả năng để chi trả cho các thực phẩm sạch với giá cả đắt đỏ. Tuy nhiên lý do khiến họ còn lưỡng lự là vì họ không tin, hoặc nghi ngờ về thực phẩm hữu cơ thật hay giả. Chính vì thế trong nông nghiệp hữu cơ cần có sự giám sát chặt chẽ lẫn nhau, giữa cơ quan chức năng, doanh nghiệp, người tiêu dùng, thậm chí là cả cơ quan báo chí…”- bà Hạnh chia sẻ.
Cùng với đó, một yếu tố khác để hữu cơ có thể cất cánh là các đơn vị sản xuất phải tìm kiếm được thị trường cho sản phẩm hữu cơ. Bà Hạnh đề xuất, đối với người kinh doanh về thực phẩm hữu cơ, cần có sự giúp đỡ từ khâu truyền thông đến phân phối, cũng như công nghệ kinh phí để có thể tham gia sản xuất hữu cơ.
Nhiều rào cản trong nông nghiệp hữu cơ
Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm cho biết, nút thắt trong phát triển nông nghiệp hữu cơ hiện nay nổi lên 4 vấn đề: Thiếu lòng tin giữa cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, người nông dân; khai thác tài nguyên đến mức cạn kiệt; ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến chất lượng nông sản, sức khỏe người sản xuất; sức khỏe người tiêu dùng, cây trồng, vật nuôi.
Chỉ khi nào giải quyết được những vấn đề này thì nông nghiệp hữu cơ mới có thể coi là thực sự thành công.