Thiếu hụt phi công, Trung Quốc chưa thể phát triển hải quân

Chiếc tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc, Sơn Đông, đã chính thức đi vào sử dụng trong tháng này.

Nhưng những khó khăn trong việc huấn luyện phi công có thể cản trở khả năng hoạt động hiệu quả của chiếc tàu sân bay này.

Theo báo South China Morning Post, Sơn Đông sẽ cần ít nhất 70 phi công cùng với nhiều sĩ quan hỗ trợ khác để có thể vận hành được.

Các nhà nghiên cứu quân sự cho biết, sự thiếu hụt số lượng phi công điều khiển tàu sân bay đang kìm hãm tham vọng phát triển một hạm đội chiến đấu mạnh mẽ của Bắc Kinh.

Càng lên nhiều kế hoạch chế tạo và sử dụng các loại tàu chiến hiện đại hơn, nhu cầu về số lượng lớn phi công được đào tạo đầy đủ cũng tăng thêm.

Tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc, tàu Sơn Đông, đã chính thức đi vào hoạt động vào đầu tháng này. Ảnh: South China Morning Post

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khuyến khích nỗ lực hiện đại hóa tất cả các lực lượng quân đội của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).

Ông cũng khẳng định nhu cầu xây dựng một lực lượng hải quân hùng mạnh là chưa bao giờ cần thiết như lúc này.

Chương trình đào tạo cho các phi công quân đội Trung Quốc vẫn còn đang được phát triển, đặc biệt là lực lượng hàng không hải quân, vốn chỉ mới ra đời vào tháng 5-2013.

Các phi công trên tàu sân bay mất nhiều thời gian hơn để huấn luyện so với những phi công khác, đặc biệt khi Trung Quốc thường xuyên gặp phải các tai nạn về máy bay quân sự.

Máy bay chiến đấu trên boong tàu máy bay Liêu Ninh, Trung Quốc. Ảnh: Hãng thông tấn Tân Hoa Xã

Vài ngày sau khi Trung Quốc đánh dấu kỷ niệm 70 năm Quốc khánh với một cuộc diễu hành quân sự khổng lồ ở Bắc Kinh hôm 1-10, ba phi công đã thiệt mạng khi một máy bay trực thăng vận tải bị rơi ở trung tâm tỉnh Hà Nam.

Chỉ tám ngày sau đó, một vụ tai nạn khác trên cao nguyên Tây Tạng xảy ra khi chiếc máy bay chiến đấu J-10 đã rơi xuống một ngọn núi. Phi công được báo cáo là đã may mắn sống sót.

Ông Li Jie, một chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh, cho biết vấn đề thiếu hụt phi công cho lực lượng tàu sân bay có thể được giải quyết chỉ trong vòng hai đến ba năm.

“Số lượng máy bay chiến đấu cho tàu sân bay không đủ và chương trình đào tạo chưa hiệu quả chính là hai lý do cho vấn đề thiếu phi công của Trung Quốc", ông Li nói.

"Nhưng một khi chúng ta chú trọng hơn đến việc giáo dục và đào tạo phi công, vấn đề ấy sẽ dần được giải quyết", ông Li khẳng định thêm.

Một phi công trong một bài tập huấn luyện. Ảnh: South China Morning Post

Đại học Hàng không Hải quân Trung Quốc, chuyên đào tạo các phi công hải quân, đã kết hợp với ba trong số các trường đại học hàng đầu của quốc gia này, trường đại học Bắc Kinh, Thanh Hoa và đại học Hàng không vũ trụ Beihang, để tìm kiếm và tuyển dụng các phi công trẻ tuổi.

Chính quyền Trung Quốc cũng đã thành lập các lớp học thực nghiệm hàng không hải quân tại các trường trung học trên cả nước. 

Mỗi lớp tuyển dụng khoảng 50 sinh viên, mỗi sinh viên sẽ được hưởng trợ cấp quốc gia và được đưa vào danh sách ưu tiên để trở thành phi công hải quân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm