Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết chỉ mới nửa đầu năm 2014, lượng bò Úc nhập về nước ta đã ở mức hơn 72.000 con, nhiều hơn 6.000 con so với lượng bò nhập khẩu cả năm 2013. Các mặt hàng thịt heo, gà và các loại phụ phẩm nội tạng đều đang được nhập về Việt Nam với số lượng lớn hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Thịt ngoại nhập tăng nhanh đột biến
Ông Vang cho biết ngoài bò sống từ Úc, Việt Nam còn nhập khẩu số lượng lớn thịt bò đông lạnh, trong đó thịt trâu, bò không xương là 301 tấn, thịt trâu bò có xương là 14.532 tấn. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay Việt Nam cũng nhập khẩu gần 2.000 con trâu sống từ Úc qua đường chính ngạch để phục vụ cho việc giết mổ, bán thịt trên thị trường nội địa.
Bảy tháng đầu năm 2014, lượng thịt heo nhập khẩu cũng tăng mạnh đạt 1.600 tấn, phần lớn nhập từ Mỹ. Việt Nam cũng nhập hơn 45.000 tấn thịt gà chủ yếu là gà loại thải, đùi, cánh, chân gà và các loại phụ phẩm gan, mề. Dự báo thịt gà nhập khẩu có thể chiếm đến 6%-7% tổng lượng thịt trong nước.
Thịt ngoại nhập tăng nhanh khiến DN chăn nuôi trong nước gặp khó. Ảnh: HTD
Đại diện Lotte Mart cho hay ngoài thịt bò, heo, gà nhập tại siêu thị còn có thịt cừu nhập khẩu. Giá các mặt hàng này tăng 5% so với năm ngoái. Siêu thị đang phải hạn chế tốc độ tăng nhập lượng thịt ngoại để đẩy mạnh hàng nội địa.
Theo ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, đáng lẽ lượng bò Úc nhập về còn cao hơn nhiều. Phía Úc ước định năm nay cung cấp cho thị trường Việt Nam 200.000 con nhưng do nửa đầu năm các nước Indonesia, Malaysia, Philippines cũng “ăn” thịt bò Úc nhiều nên nguồn cung giảm. Từ đầu tháng 7 đến nay công ty phải tiết giảm lượng giết mổ để phân ra cho đủ.
Mặc dù các doanh nghiệp (DN) thực phẩm, bán lẻ không tiết lộ con số cụ thể về tình hình tiêu thụ thịt bò Úc nhưng ghi nhận thị trường cho thấy tại khu vực thịt ngoại nhập ở trong các siêu thị lớn, cửa hàng thực phẩm luôn thu hút nhiều người tiêu dùng đến mua sắm. Giá thịt bò Úc cao hơn 5%-7% so với thịt bò Việt Nam nhưng vẫn được người tiêu dùng chọn mua vì thịt mềm, ngọt hơn.
Bên cạnh đó, nhiều nhà hàng, khách sạn, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh cũng tăng lượng thịt bò, gà ngoại nhập. Đại diện chuỗi nhà hàng Coca Suki cho hay so với cùng kỳ năm ngoái lượng bò Úc nhà hàng nhập về tăng gấp đôi, trung bình một tháng là 450 kg. Với chất lượng ngon cùng giá thành không cao bao nhiêu nên phần lớn thực khách vẫn lựa chọn.
Nên liên kết, gia công cho DN lớn, DN nước ngoài
Với tốc độ nhập thịt ngoại ngày càng nhiều khiến ngành chăn nuôi trong nước lâm vào khốn đốn, thua lỗ vì rớt giá. Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết chỉ trong vòng hai năm ngành chăn nuôi nước ta đã thua lỗ tới 27.000 tỉ đồng, trong khi lượng thịt ngoại tràn vào nhiều.
Theo ông Vang, chăn nuôi nội sẽ phải chấp nhận một thực tế là trong những năm tới thịt nhập khẩu sẽ ngày càng nhiều. Vì vậy, DN trong nước cần có những giải pháp liên kết hoặc gia công để tồn tại, phát triển cạnh tranh với thịt ngoại. Đa phần trang trại chăn nuôi Việt Nam cứ nghĩ chăn nuôi là làm thuê cho DN ngoại bóc lột. Đấy là cách nghĩ hoàn toàn sai. Ở Mỹ, Canada 100% ngành chăn nuôi họ là gia công theo hệ thống chuỗi liên kết từ sản xuất thức ăn, giống, nuôi, chế biến và phân phối ra thị trường.
“Ở nước ta nhiều trang trại đã thành công nhờ khởi đầu từ nuôi gia công cho DN nước ngoài. Một loạt trang trại ở Sơn Tây (Hà Nội) ban đầu nuôi gia công 80%, họ được DN nước ngoài hỗ trợ con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc và hướng dẫn kỹ thuật. Nhờ vậy các trang trại này thoát rủi ro thua lỗ vì rớt giá, vẫn đảm bảo có lợi nhuận” - ông Vang nói.
Đồng tình với ông Vang, anh Nguyễn Văn Sáng, chủ trại gà ở Thống Nhất - Đồng Nai, cho hay dù hiện nay giá gà, giá trứng có tăng, tính ra có lợi nhuận nhưng mức giá này phải kéo dài đến hết năm 2014 thì mới bù lại được khoản lỗ quá lớn từ cuối năm 2013.
Anh Sáng cho biết: “Trang trại tôi cũng như một số trang trại khác thu được lợi nhuận trong mấy năm qua là nhờ nuôi gia công cho DN lớn. Dù giá thịt có rớt thì trang trại vẫn đảm bảo có lợi nhuận vì DN đã ký hợp đồng gia công mua với mức giá cố định. Nhờ nuôi gia công trang trại nhỏ ít vốn, ít kinh nghiệm sản xuất vẫn có thể phát triển nhờ DN lớn hỗ trợ con giống, kỹ thuật và thức ăn. Sau khi đã có vốn, nắm tốt kỹ thuật, tôi đã bắt đầu tự mình nuôi”.
QUANG HUY - TÚ UYÊN
“Bắt tay” với DN thức ăn chăn nuôi, nhà bán lẻ Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng Chính phủ cần khuyến khích những mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ như Hoàng Anh Gia Lai nuôi bò cung cấp sữa cho Nutifood, cung ứng thịt cho Vissan. Một số DN chăn nuôi 100% vốn Việt Nam đã đang thành công như Agrifood, Fabaco, Proconco nhờ liên kết quy mô lớn với các nhà máy thức ăn chăn nuôi, giảm được chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm. Các DN này tự sản xuất con giống có ưu thế lai, chất lượng tốt giảm được 10% chi phí. Ngoài ra, DN tăng chế biến sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ thịt, cộng với việc liên kết với các hệ thống bán lẻ, cửa hàng thực phẩm đảm bảo đầu ra. Từ đó đủ sức cạnh tranh với thịt ngoại nhập hay các DN chăn nuôi ngoại. Bò Úc nhập khẩu sẽ tăng 2,5 lần Năm 2012, bò nhập từ Úc chỉ hơn 3.000 con nhưng đến 2013 tăng lên 66.000 con. Đầu năm 2014, hiệp hội ước tính cả năm sẽ nhập khoảng 120.000 con. Nhưng với lượng bò nhập tăng nhanh như hiện nay thì số bò Úc sẽ nhập khẩu cả năm nay sẽ gấp 2,5 lần so với năm 2013. |