Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: 'Tôi nói là ngân sách dự phòng trung ương đã hết'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam

Trưa 17-9, trao đổi với Pháp Luật TP HCM, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16-9, khi giải trình các ý kiến của Thường vụ Quốc hội về Dự thảo Nghị quyết về các giải pháp miễn, giảm thuế cho dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19, ông có đề cập đến ngân sách dự phòng trung ương.

“Tôi nói là ngân sách dự phòng trung ương có 17.500 tỉ hiện nay đã hết, cho nên, chưa có nguồn để hỗ trợ, chi cho các tỉnh chống dịch cùng với hàng chục ngàn cán bộ y tế, công an, quân đội… Hiện Chính phủ đang tiết kiệm chi được 14.620 tỉ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển nguồn này vào dự phòng để cấp cho các tỉnh và lực lượng chống dịch”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16-9. Ảnh: QH

Vì là nguồn dự phòng nên việc quyết định chi hay không thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vậy nên ngày 9-9 vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Nghị quyết về phương án sử dụng nguồn kinh phí cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2021.

Theo nghị quyết này, Chính phủ nhất trí thông qua phương án sử dụng nguồn kinh phí cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương để bổ sung nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021, tập trung chi cho phòng, chống dịch COVID-19 như đề nghị của Bộ Tài chính

Nghị quyết cũng giao Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về nội dung và tính chính xác của số liệu báo cáo. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung 14.620 tỉ đồng số kinh phí cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2021 vào nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 để thực hiện nhiệm vụ trên.

Còn Nghị quyết số 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thì yêu cầu Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương ưu tiên sắp xếp, bố trí ngân sách nhà nước và các nguồn lực hợp pháp khác để bảo đảm kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và cơ sở điều trị người bệnh COVID-19.

Trong đó có việc thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% chi phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương (trừ kinh phí hoạt động quan trọng, cấp bách và phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, kinh phí hoạt động ngoại giao của Bộ Ngoại giao) và tiết kiệm thêm 10% kinh phí chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 không tính tiền lương và các khoản thu nhập khác.

Thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, tập trung kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Về ngân sách trung ương, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói vẫn thực hiện theo dự toán Quốc hội đã duyệt.

Về thu ngân sách, thông tin hồi đầu tháng 9-2020 do Bộ Tài chính cung cấp cho hay: Do ảnh hưởng của đợt dịch tái bùng phát từ tháng 4-2021, diễn biến thu nội địa giảm dần qua các tháng. Cụ thể: tháng 4 thu được 115,6 nghìn tỉ đồng; tháng 5 thu được 85 nghìn tỉ đồng; tháng 6 thu được 80,5 nghìn tỉ đồng; tháng 7 thu được 77,4 nghìn tỉ đồng nếu không kể 37 nghìn tỉ đồng tăng thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp kê khai và nộp theo quý; tháng 8 thu được 63,2 nghìn tỉ đồng.

Về chi cho chống COVID-19, cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đã ưu tiên bố trí chi cho công tác này. Tính đến hết tháng 8-2021, ngân sách nhà nước đã chi 18,8 nghìn tỉ đồng cho phòng chống dịch, trong đó có 1,6 nghìn tỉ đồng chi hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm