Chỉ dấu mới nhìn từ nhân sự BCĐ Trung ương về PCTN, Tiêu cực

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký các quyết định kiện toàn nhân sự Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC). Theo đó, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, Ủy viên Ban Chỉ đạo được phân công làm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo. Ngoài ra, ông Lê Minh Hưng, Chánh văn phòng Trung ương Đảng tham gia Ban Chỉ đạo với tư cách Ủy viên.

Như vậy, sau lần kiện toàn nhân sự này, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC thuộc nhiệm kỳ Đại hội XIII có 18 thành viên, tiếp tục mô hình do Tổng Bí thư làm Trưởng ban, với 6 Phó Trưởng ban giúp việc, trong đó Trưởng ban Nội chính Trung ương là Phó Trưởng ban Thường trực và một Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương làm Ủy viên. Ban Nội chính Trung ương tiếp tục là Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo.

Điểm mới của cơ cấu nhân sự này so với Ban Chỉ đạo nhiệm kỳ Đại hội XII là trong 6 Phó Trưởng ban không có Phó Thủ tướng phụ trách nội chính như trước, thay vào đó là Trưởng ban Tổ chức Trung ương – khóa trước chỉ là Ủy viên. Ngoài ra, cơ cấu thêm Chánh văn phòng Trung ương Đảng làm Ủy viên, trong khi trước đây chức danh này không tham gia Ban Chỉ đạo.

Đây là diễn tiến tiếp theo của việc Chính phủ không có Phó Thủ tướng - Ủy viên Bộ Chính trị chuyên trách theo dõi công tác nội chính nhà nước như các khóa trước. Công việc này hiện do Thủ tướng phụ trách.

Cấu trúc quyền hạn

Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC có nhiều hình thức hoạt động với các cấu trúc gắn với quyền hạn, trách nhiệm riêng.

Cụ thể, Ban Chỉ đạo theo nghĩa cả 18 thành viên có tính kiêm nhiệm cao, họp 6 tháng một lần để cho ý kiến, thảo luận những vấn đề lớn, tổng quát.

Đi vào nhiệm vụ cụ thể như chỉ đạo, theo dõi công tác xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế và xử lý cán bộ, đảng viên tiêu cực thì chủ yếu giao cho Thường trực Ban Chỉ đạo - gồm Trưởng ban và các Phó Trưởng ban, có thể họp thường xuyên hơn.

Ngoài ra, một số vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp có tính chất đặc biệt riêng thì còn được giao cho Ban Chỉ đạo 110 do Thường trực Ban Bí thư trực tiếp phụ trách, chịu trách nhiệm, triệu tập các cơ quan liên quan họp xem xét bất cứ lúc nào…

Quyết định kiện toàn nhân sự Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC lần này gắn liền với việc triển khai Quy định số 32-QĐ/TW của Bộ Chính trị mà điểm mới là bổ sung chức năng, nhiệm vụ phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống (gọi tắt là tiêu cực) cho Ban Chỉ đạo.

Trong cơ cấu tổ chức của Đảng, Ban Tổ chức Trung ương có vai trò quan trọng, cùng với Ủy ban Kiểm tra Trung ương tham mưu, chỉ đạo công tác phòng, chống tiêu cực trong cán bộ, đảng viên.

 Cơ cấu nhân sự Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC nhiệm kỳ Đại hội  XIII

Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN có 18 thành viên, gồm 11 Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Bí thư và 07 Ủy viên Trung ương Đảng.

Trưởng ban Chỉ đạo: Tổng Bí thư

6 Phó Trưởng ban Chỉ đạo, gồm: Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Phó Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an.

11 Ủy viên, gồm: Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, Phó trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chánh văn phòng Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Trưởng ban Nội chính Trung ương là Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo.

Ban Nội chính Trung ương là Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm