Cử tri đề nghị Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao và các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án kinh tế, tham nhũng.
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội (QH) khóa XIV. Báo cáo do ông Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trình bày tại phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ QH khai mạc sáng 14-10.
Báo cáo cũng cho hay cử tri đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị. Cùng đó là sự tăng cường kiểm soát quyền lực, nhất là trong công tác cán bộ, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Nỗ lực này diễn ra “không dừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm”. Tuy nhiên, theo cử tri, công tác phòng ngừa, phát hiện tham nhũng chưa kịp thời. Việc xử lý tham nhũng ở một số nơi chuyển biến chưa mạnh, nhất là ở địa phương, cơ sở, “tham nhũng vặt” chưa được ngăn chặn có hiệu quả.
Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 8, QH khóa XIV. Ảnh: QH
Bên cạnh đó, kỷ cương, kỷ luật hành chính chuyển biến còn chậm, tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí mới được ngăn chặn ở mức độ nhất định…
Trước tình hình trên, cử tri đề nghị các cơ quan liên quan, có thẩm quyền cần chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án kinh tế, tham nhũng. Trong đó cần chú ý những vụ việc, vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo xử lý. Đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, hạn chế hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức.
“Đề nghị các bộ, ngành, địa phương xử lý nghiêm tình trạng nhũng nhiễu, lót tay, vòi vĩnh gây khó khăn trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời minh bạch hóa tối đa các dự án đầu tư công, thực hiện phân cấp, giao quyền, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu…” - ông Hầu A Lềnh thông tin.
Đối với Bộ GD&ĐT, cử tri đề nghị chấn chỉnh những lệch chuẩn về đạo đức, lối sống của một bộ phận công chức, viên chức quản lý, giáo viên, phòng, chống bạo lực học đường. Bên cạnh đó, cử tri, nhân dân lo lắng, bức xúc trước một số vụ việc do bất cẩn, thiếu trách nhiệm của giáo viên, người quản lý, lãnh đạo một số cơ sở giáo dục dẫn đến tai nạn, rủi ro cho học sinh…
Cử tri lo lắng trước tình hình biến đổi khí hậu Cử tri cũng bày tỏ nhiều lo lắng trước tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long… Cử tri cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ NN&PTNT, các địa phương tăng cường công tác phòng, chống, dập bệnh dịch tả, giám sát chặt chẽ việc xử lý, tiêu hủy heo bệnh đúng quy định, hạn chế lây lan dịch bệnh và ô nhiễm môi trường. Đồng thời đẩy mạnh cơ cấu lại ngành chăn nuôi, đa dạng hóa vật nuôi để bù đắp thiếu hụt nguồn cung thịt heo. Góp ý cho báo cáo trên, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký QH, cho rằng báo cáo trên cần đưa thêm một số vấn đề dư luận quan tâm. Điển hình như tình trạng giá nông sản thấp dẫn đến nông dân bỏ ruộng ngày càng gia tăng. “Tôi cho rằng Bộ NN&PTNT cần có cuộc khảo sát…” - Tổng thư ký QH nêu quan điểm. Chủ quyền bị xâm phạm, cử tri bức xúc Nhân dân lo lắng tác động của chiến tranh thương mại giữa một số nước lớn. Đặc biệt, những diễn biến phức tạp ở biển Đông vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam… |