Tây nguyên xác xơ vì mưa lũ

Đến trưa 8-8, lực lượng chức năng xã Đắk Sin kết hợp với Công an huyện Đắk Rʼlấp (Đắk Nông) cùng người dân đang cố gắng tìm kiếm các nạn nhân bị vùi lấp trong vụ sạt lở nghiêm trọng.

Tai họa bất thần lúc rạng sáng

Theo ông Nguyễn Văn Thuấn, Trưởng Công an xã Đắk Sin (huyện Đắk Rʼlấp), sự việc xảy ra lúc rạng sáng cùng ngày, gia đình anh Trần Văn Hiệu, chị Phạm Thị Yến cùng con gái sinh năm 2016 đang ở trong nhà thì đất đá từ quả đồi phía trên bất ngờ trôi xuống. Sự cố khiến toàn bộ ngôi nhà trong phút chốc nằm dưới lớp đất đá.

Người dân cho hay từ mấy hôm nay nơi đây liên tục mưa lớn làm ngập úng nhiều nơi. Sự việc lở đồi cũng do mưa quá nhiều. “Tai nạn đến bất ngờ, lúc mọi người đang ngủ nên không ai kịp chạy thoát” - một người tham gia tìm kiếm nói.

Không riêng gì Đắk Nông, nhiều ngày nay tại các tỉnh Tây Nguyên liên tục có mưa lớn gây thiệt hại nặng nề. Như tại Lâm Đồng, trong sáng 8-8 có nhiều nơi chìm trong biển nước. Thời điểm nước dâng, ông Hoàng Minh Tú (50 tuổi, công an viên, ở thôn Tân Thịnh, xã Lộc Châu, huyện Bảo Lộc) cùng người dân ra thông ống cống để thoát nước. Ông Tú trượt chân xuống ống cống và bị cuốn đi. Mọi người nỗ lực tìm kiếm nhưng khi phát hiện, vớt được thì ông Tú đã tử vong.

Ở Đắk Lắk, cơ quan chức năng cũng xác nhận đã có một người tử vong do mưa lũ, nạn nhân là ông Hoàng Trung Tùng (xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar). Trưa một ngày trước, trong lúc đi qua một đoạn suối có nước chảy xiết, ông Tùng đã bị nước cuốn trôi...

Lực lượng chức năng nỗ lực tìm kiếm gia đình bị vùi lấp vì sạt lở ở xã Đắk Sin, huyện Đắk Rʼlấp, Đắk Nông. (ảnh chụp lúc 9 giờ ngày 8-8). Ảnh: H.HIẾU

Hàng trăm ngôi nhà ngập, hàng ngàn hecta hoa màu hư hại

Về thiệt hại vật chất, mưa lớn kéo theo tình trạng ngập lụt khiến hàng ngàn hecta hoa màu, cà phê, tiêu của người dân bị ngập úng.

Báo cáo nhanh về diễn biến mưa lũ tại Đắk Lắk thì đến ngày 8-8, trên địa bàn huyện Ea Súp có 614 ngôi nhà bị ngập xảy ra tại 10/10 xã, thị trấn. Có hơn 6.000 ha cây trồng các loại bị ngập, nhiều gia súc, gia cầm bị chết và cuốn trôi, riêng xã Ya Tờ Mốt bị chia cắt do tuyến tỉnh lộ 1 bị ngập sâu đoạn qua cầu Đắk Bùng (hiện tại điểm sâu nhất khoảng 1 m). Tại huyện Buôn Đôn, mưa lớn gây ngập lụt cục bộ một số điểm gây chia cắt giao thông, có 154 hộ dân bị ảnh hưởng. Tại huyện Cư M’gar, tình trạng cũng tương tự. Ngoài ra, một số địa điểm tại TP Buôn Ma Thuột bị ngập nặng, trong đó nhiều nhà bị ngập nước như đoạn đường Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Văn Cừ...

Tại Lâm Đồng, mưa lũ cũng diễn biến hết sức phức tạp, các huyện Đạ Tẻh, Cát Tiên, Đạ Huoai bị ngập lụt nghiêm trọng. Một số tuyến đường ở Đà Lạt, khu vực Hồ Xuân Hương và lân cận cũng bị nước nhấn chìm… Thống kê chưa đầy đủ cho thấy có hơn 150 ngôi nhà bị ngập nước ở những nơi này, hàng trăm hecta hoa màu chìm trong biển nước.

Về công tác giúp dân, ngay khi xuất hiện lũ ngập nhà dân, chính quyền địa phương tỉnh Đắk Lắk và lực lượng biên phòng đã vào cuộc hỗ trợ, di dời dân khẩn cấp ở các địa phương có nguy cơ ngập nặng để tránh thiệt hại về người.

Ở những điểm có nước lớn và nguy hiểm, lực lượng chức năng luôn túc trực để đảm bảo an toàn cho người dân. Cụ thể như trên đường vào Buôn Đôn ngập nặng, xe cộ không lưu thông được, lực lượng chức năng đã túc trực phương tiện để đảm bảo cho người dân qua lại. Hay tại Ea Súp, lực lượng chức năng và CSGT cắm chốt ở các đoạn ngập để cắm mốc và hạn chế người qua lại.

Lâm Đồng cũng vậy, chính quyền địa phương đã nhanh chóng tiếp cận để hỗ trợ di dời người dân đến nơi an toàn, đồng thời bắt đầu thống kê thiệt hại do mưa lũ gây ra…

Được biết những công tác trên chưa thể kết thúc sớm bởi chiều 8-8, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho hay dù lũ trên sông Srêpốk đang xuống song ở khu vực Tây Nguyên những ngày tới tiếp tục có mưa vừa, mưa to. Nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất, ngập lụt ở vùng trũng các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng... với cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 1.

Ông Phạm Minh Chính vào Sa Ná thăm bà con bị lũ

Sáng 8-8, ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, dẫn đầu đoàn lãnh đạo trung ương và Thanh Hóa đã vượt qua sông Luồng, đi bộ vào vùng tâm lũ Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn). Đây là nơi bị thiệt hại nặng nề do hoàn lưu bão số 3 gây ra với 24 ngôi nhà bị trôi sập hoàn toàn, hai người chết, tám người mất tích và nhiều người bị thương.

Trưởng Ban Tổ chức  Trung ương cùng đoàn dành 1 phút mặc niệm, chia sẻ nỗi đau mất mát với người dân bản Sa Ná. Nói chuyện cùng bà con, ông Phạm Minh Chính thăm hỏi ân cần và chia sẻ nỗi đau mất mát với người dân. Đồng thời yêu cầu các lực lượng vũ trang, lực lượng cứu hộ bằng mọi cách phải tìm kiếm bằng được người mất tích.

Ông Phạm Minh Chính cũng bày tỏ sự cảm động sâu sắc đối với các tập thể, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và các đoàn thiện nguyện từ khắp mọi miền Tổ quốc đã đến chia sẻ với người dân Sa Ná.

ĐẶNG TRUNG

Bộ đội biên phòng cứu ba người bị kẹt trong lũ

Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Gia Lai cho biết đơn vị này vừa cứu thành công ba người dân bị mắc kẹt trong lũ. Cụ thể, chiều 7-8, nhận được tin báo có ba người dân bị mắc kẹt do nước lũ dâng cao, lãnh đạo đồn biên phòng Ia Lốp đã nhanh chóng triển khai công tác cứu người. Một tổ công tác gồm bảy cán bộ, chiến sĩ mang theo áo phao, dây chằng vượt qua suối lũ để tiếp cận hiện trường.

Sau vài giờ, tổ công tác đã giải cứu thành công và đưa ba người dân gồm các anh Nguyễn Hữu Hải (quê Quảng Ngãi), Đỗ Ngọc Chuyền (quê Hải Dương), Thái Thành Tâm (quê Đắk Lắk) về nơi an toàn.

Trong ba người, anh Thái Thành Tâm đã bị đói lả người, đứng không vững, quân y đơn vị đã kiểm tra sức khỏe, cung cấp cơm nước kịp thời cho dân.

LỮ QUỲNH LOAN 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm